UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 07/2022
(BNP) - Sáng 11/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 07/2022.
Toàn cảnh phiên họp.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Trần Thị Hằng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh, các thành viên UBND tỉnh; lãnh đạo một số ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Mở đầu phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, trên cơ sở rà soát, thống kê, phân tích thực trạng về trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức (CB, CC) cấp xã của tỉnh, Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC cấp xã giai đoạn 2022 - 2030, định hướng đến năm 2035” nhằm đánh giá đúng thực trạng CB, CC cơ sở về năng lực, trình độ, khả năng lãnh đạo, điều hành, quản lý ở từng địa phương, từ đó, phân loại CB, CC và đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC xã, phường, thị trấn từ nay đến năm 2030 và định hướng đến năm 2035.
Theo đó, phạm vi của Đề án triển khai tại toàn bộ 126 xã, phường, thị trấn với 2.404 người, trong đó 1.267 cán bộ, 1.137 công chức… Mục tiêu giai đoạn 2022 - 2030, 100% cán bộ chủ chốt có trình độ đào tạo từ Đại học trở lên, có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; được bồi dưỡng quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên trở lên, cập nhật kiến thức lãnh đạo, quản lý theo chức danh quy hoạch. Bên cạnh được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, 100% cán bộ các tổ chức chính trị và công chức cấp xã có trình độ đại học, có khả năng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Thống nhất với nội dung và tầm quan trọng của Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, đội ngũ CB,CC cấp xã có bước phát triển, đa số cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp đổi mới của Đảng, tâm huyết với công việc, gần gũi với nhân dân, qua đó, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu, bổ sung, hoàn thiện vào nội dung Đề án để xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, toàn tỉnh có 12 xã được đề nghị xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Qua thẩm định, có 09 xã: Tân Chi, Phật Tích (huyện Tiên Du), Phượng Mao (huyện Quế Võ), Nhân Thắng (huyện Gia Bình), Đình Tổ, Song Hồ, Trí Quả, Xuân Lâm (huyện Thuận Thành) và An Thịnh (huyện Lương Tài) đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021; 03 xã: Tam Giang (huyện Yên Phong), Đại Lai (huyện Gia Bình) và Mộ Đạo (huyện Quế Võ) không đủ điều kiện công nhận.
Đối với kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh đợt 1 năm 2022, toàn tỉnh có 18/18 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, 11 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 7 sản phẩm đạt hạng 4 sao.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Thống nhất với các nội dung, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực cho lĩnh vực nông nghiệp và là một trong 16 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định lại hồ sơ, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét trước khi UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn 03 xã còn lại hoàn thiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá, tham mưu UBND tỉnh xem xét, công nhận khi đủ điều kiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát tình hình nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới; tham mưu nguồn lực triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, lựa chọn các sản phẩm OCOP tiêu biểu phấn đấu đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Trình bày Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, giai đoạn 2012 - 2020, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên hoàn thành phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 05 tuổi, tháng 7/2012; phổ cập giáo dục Tiểu học và giáo dục THCS duy trì ở mức độ 3 từ tháng 03/2017.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Trọng Tân báo cáo tại Hội nghị.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, đảm bảo đến năm 2030, mọi người dân trong tỉnh đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, tiếp tục duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 và nâng cao chất lượng giáo dục sau biết chữ; 80% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin; 90% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số…
Đồng ý ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát lại các nội dung trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng thời, đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Cuộc vận động và phát động phong trào thi đua về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong tỉnh, gắn kết chặt chẽ với các Cuộc vận động và phong trào thi đua khác; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham gia giám sát, phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Trần Trung báo cáo tại Hội nghị.
Phiên họp cũng xem xét và cho ý kiến về việc bãi bỏ Quyết định số 168/QĐ-UBND ngày 18/4/2019 của UBND tỉnh ban hành danh mục mua sắm tập trung của Sở Y tế; báo cáo giải ngân vốn đầu tư công đến hết ngày 30/6/2022…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 3/2022; thực hiện các phương án đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cục Thuế tỉnh triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sáchh 6 tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao. Ngành Ngân hàng tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 7 (trích video).
Về lĩnh vực tài nguyên môi trường, tập trung hoàn thiện báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2019 - 2025; xây dựng kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các địa phương giai đoạn 2022 - 2025; khẩn trương rà soát, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để xin ý kiến xử lý ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thế Sơn báo cáo tại Hội nghị.
Đối với lĩnh vực văn hoá - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tri ân, thăm, tặng quà, chăm sóc các thương, bệnh binh, người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ; đẩy nhanh tiến độ giải quyết chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống trước biến thể mới của Covid-19; đảm bảo vật tư, hoá chất, sinh phẩm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới 2022 - 2023.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương cần tập trung gieo cấy vụ mùa, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chủ động phòng chống thiên tai, ngập úng cho lúa và rau màu, các khu đô thị, khu công nghiệp khi có mưa lớn xảy ra; tiếp tục đôn đốc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đông người, tồn đọng kéo dài, vượt cấp…