UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 10/2023

17/10/2023 14:09

(BNP) - Sáng 17/10, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 10/2023. Đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Toàn cảnh phiên họp.

Dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Hạnh Chung, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành, địa phương.

Phiên họp tập trung thảo luận cho ý kiến về tờ trình Kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2023 - 2025. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, thời gian qua, việc thực hiện rà soát, sắp xếp tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các đơn vị, địa phương quan tâm, triển khai kịp thời, nghiêm túc; gắn với tinh giản biên chế, từng bước cơ cấu lại đội ngũ viên chức, bố trí người làm việc theo vị trí việc làm nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Giai đoạn từ năm 2015 - 2022, toàn tỉnh sắp xếp giảm 52 đơn vị sự nghiệp, đạt tỷ lệ 8,35% (riêng năm 2022 đã giảm 07 đơn vị). Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh có 571 đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hạnh Chung.

Dự kiến đến hết năm 2023 sẽ giảm được 11 đơn vị, tương ứng với 1,9% so với năm 2021. Từ năm 2024 - 2025 sẽ giảm được 51 đơn vị, tương ứng với 8,79% so với năm 2021. Như vậy, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ giảm được 69 đơn vị, tương ứng với 11,9% so với năm 2021; giảm 114 đơn vị so với năm 2015, tương ứng 18,39%, đảm bảo tỷ lệ giảm tối thiểu 10% đơn vị theo quy định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng.

Trên cơ sở ý kiến của các Sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh, việc sáp nhập các đơn vị là nội dung quan trọng bởi đây là xu hướng tất yếu trong định hướng về xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của Trung ương. Tuy nhiên việc triển khai cần phải tính toán lộ trình phù hợp, căn cứ vào thực trạng, tình hình thực tiễn của từng địa phương.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Trọng Tân.

Thống nhất với nội dung tờ trình, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ hoàn thiện kế hoạch, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét theo quy định. Sau khi ban hành Kế hoạch, các Sở, ngành, địa phương bám sát lộ trình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để triển khai hiệu quả Kế hoạch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Xuân.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất thông qua phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, toàn tỉnh có 06 xã, phường thuộc diện sắp xếp gồm: phường Tiền An, phường Vệ An, phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh), xã Hán Quảng (thị xã Quế Võ), xã Trừng Xá và xã Lai Hạ (huyện Lương Tài). Như vậy, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm 05 đơn vị từ 126 đơn vị (gồm 52 phường, 04 thị trấn và 70 xã) xuống còn 121 đơn vị (gồm 50 phường, 04 thị trấn và 67 xã).

Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vũ Huy Phương.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 09/10/2023, toàn tỉnh giải ngân được 3.254 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,9% so với số vốn UBND 03 cấp tỉnh - huyện - xã phân bổ chi tiết đến từng dự án. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngành chức năng đề xuất các chủ đầu tư, UBND cấp huyện cần quyết tâm thực hiện giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công gắn với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng nguồn vốn; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư công ngay khi có khối lượng hoàn thành; lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, từng gói thầu và nghiêm túc thực hiện kế hoạch…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Trần Trung.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án; Tổ công tác chuyên ngành tích cực kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân của các địa phương, chủ đầu tư. Đối với các chủ đầu tư thực hiện nghiêm kế hoạch giải ngân, tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công, lập hồ sơ thanh, quyết toán các dự án, hạng mục hoàn thành để nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thế Sơn.

Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 27/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đến nay, toàn tỉnh có 200 trang trại đạt đủ tiêu chí theo quy định. Trong đó, 43 trang trại trồng trọt (chiếm 21,5%), 90 trang trại chăn nuôi (chiếm 45%), 24 trang trại thủy sản (chiếm 12%), 43 trang trại tổng hợp (chiếm 21,5%); giảm 48 trang trại so với thời điểm ban hành Nghị quyết.

Tổng Biên tập Báo Bắc Ninh Nguyễn Tiến Vụ.

Về ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, toàn tỉnh hiện có 80 trang trại (chiếm 40% tổng số trang trại) ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chưa đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra (mục tiêu Nghị quyết là 50% tổng số trang trại).

Thống nhất với nội dung báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy xem xét theo quy định.

Chủ tịch UBND thị xã Thuận Thành Nguyễn Xuân Đương.

Phiên họp cũng xem xét, cho ý kiến vào các nội dung: Dự thảo Quy chế quản lý điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; Đề án “Phát triển, nâng cao giá trị sản xuất cây tỏi An Thịnh trên địa bàn huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh”; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2024; Quy chế Quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bắc Ninh…

S.T