UBND tỉnh triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

05/03/2019 14:41

(BNP) - Sáng 05/3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Hương Giang, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố.
 
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp&PTNT, từ ngày 01/2 - 03/3/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương, làm chết và buộc phải tiêu hủy 4.231 con lợn với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Đặc biệt, Bắc Ninh nằm gần khu vực các tỉnh có dịch tả lợn Châu Phi (Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương), do đó, nguy cơ phát sinh dịch rất cao, khó kiểm soát, gây thiệt hại lớn đến sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên đàn gia súc, nhất là nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp&PTNT đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo và chủ động triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách. Trong đó, phối hợp hướng dẫn các địa phương bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh, tập trung cao nhân lực, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, nhất là các hộ chăn nuôi tập trung. Đồng thời, tổ chức ký cam kết cho các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y chuồng trại; lập các chốt kiểm dịch động vật tại các điểm có bệnh dịch và nguy cơ xuất hiện dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn…

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 126.600 liều vắc-xin lở mồm long móng và 50.000 liều vắc-xin cúm để tiêm phòng khẩn cấp cho đàn lợn và đàn gia cầm tại địa bàn các xã, phường, thị trấn có dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm; cấp trên 50.000 lít hóa chất và huy động các địa phương mua trên 1.000 tấn vôi bột để triển khai thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường.
 
Sở Nông nghiệp&PTNT kiến nghị, đề xuất huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tổ chức ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn Châu Phi; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh đối với các cấp, các ngành, địa phương và người dân; xem xét, kiện toàn hệ thống, mạng lưới thú y cơ sở; siết chặt tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc ...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi là một trong những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng của các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm, chỉ đạo thực hiện với tinh thần quyết liệt nhất nhằm bảo vệ an toàn cho đàn gia súc, tránh ảnh hưởng tới sản xuất chăn nuôi.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp&PTNT chủ trì, tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh; thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc việc chỉ đạo, thực hiện phòng, chống dịch tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, nhất là phương pháp xử lý đàn lợn mắc bệnh và lấy mẫu giám sát dịch bệnh. Tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, đặc biệt tại các cơ sở chăn nuôi nằm trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm và vùng có tổng đàn lợn chăn nuôi cao.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng để người chăn nuôi, người tham gia buôn bán giết mổ, vận chuyển sản phẩm lợn và nhân dân nhằm kiểm soát tốt, không để dịch lây lan theo tinh thần vừa đảm bảo chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển chăn nuôi nhưng không gây hoang mang cho người dân và cộng đồng. "Tuyên truyền vận động người dân thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt", Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý.

Các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn các xã, phường, thị trấn. Đối với các địa phương tiếp giáp với các tỉnh có dịch, chủ động thành lập các chốt kiểm dịch tại đầu mối giao thông và đội kiểm dịch động vật cơ động liên ngành nhằm kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông lợn và sản phẩm từ lợn trên địa bàn.
H.T