Ưu tiên phát triển sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn và chuỗi liên kết

27/07/2021 14:21

(Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã có bài phát biểu tại phiên thảo luận tại Hội trường vào sáng nay, 27/7).

Đại biểu Trần Thị Vân phát biểu thảo luận tại hội trường.

Kính thưa Quốc hội!

Cử tri và nhân dân phấn khởi trước những kết quả sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới (NTM) với 5.343 xã, 194 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Kết quả trên thể hiện quyết tâm, sự đoàn kết, phấn đấu, huy động mọi nguồn lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng và người dân nông thôn. Tôi tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế: Khu vực nông thôn còn đứng trước nhiều thách thức đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, vừa duy trì, phát huy các thành quả đã đạt được, vừa hỗ trợ các xã còn lại đạt chuẩn nông thôn mới. Chính vì vậy, việc tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 là cần thiết. Để chương trình có sự kế thừa, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và bền vững, tôi xin kiến nghị những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm một số hạn chế trong quản lý và giám sát, đo lường từ Bộ tiêu chí đánh giá kết quả của giai đoạn trước như: các tiêu chí chưa thực sự phù hợp với một số vùng, miền do đặc thù về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội; nhiều tiêu chí chưa được tích hợp với các mục tiêu phát triển bền vững theo Quyết định số 622 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; chưa có tiêu chí đánh giá yếu tố con người - chủ thể xây dựng NTM; chưa làm tốt công tác hậu kiểm sau công nhận, dẫn tới việc duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn hạn chế; nhiều công trình cơ sở hạ tầng sau đạt chuẩn xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên gây thất thoát, lãng phí…

Thời gian tới, cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM cho phù hợp. Các tiêu chí đánh giá cần linh hoạt, sát với thực tiễn để đảm bảo tính khả thi, tránh quá sức với nhiều địa phương. Cần hướng nhiều hơn đến nhu cầu của người dân, đưa yếu tố đo lường sự hài lòng của người dân thành tiêu chí đánh giá, được xem xét định kỳ chứ không chỉ xét khi công nhận địa phương đạt chuẩn NTM, đặc biệt là các tiêu chí không bền vững như tiêu chí về thu nhập và môi trường.

Thứ hai, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng là chìa khóa cho việc triển khai thành công chương trình. Chất lượng nguồn lao động ở nông thôn còn thấp, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5% . Trong khi thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay, bản thân người nông dân phải là con người kép, vừa sản xuất, vừa tiếp thị, vừa hạch toán và quản lý. Do vậy, cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ; cập nhật kiến thức pháp luật, quản lý, quản trị để nông dân Việt Nam thực sự là người lao động nông nghiệp chuyên nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo tư duy công nghiệp.

Thứ ba, ưu tiên phát triển sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn và chuỗi liên kết. Cả nước hiện có khoảng 10 triệu nông dân và 76 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Sản xuất nông nghiệp hiện vẫn manh mún, hiệu quả liên kết chuỗi chưa cao, dễ đổ vỡ. (Diện tích đất canh tác trên đầu dân nhỏ, thói quen giữ đất mặc dù không canh tác; Giá thuê đất cao từ 30 – 50 triệu/ha/năm, thời gian cho thuê ngắn, từ 3 – 5 năm, người cho thuê, người không cho thuê - hiện tượng “xôi đỗ”. Đây là nguyên nhân mà các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 8% trên tổng số 758 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Mặc dù Chính phủ đã ban hành các chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp (Nghị định 57, 58, 98, 116) nhưng vẫn chưa tạo được động lực để doanh nghiệp bỏ vốn. Do vậy, Chính phủ cần đầu tư cho các Hợp tác xã, các mô hình đang có sẵn về vốn, kiến thức, khoa học kỹ thuật để phát triển với quy mô lớn hơn. Mặt khác, đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp…

Thứ tư, vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn là vấn đề nan giải, bức xúc, là tiêu chí không bền vững, khó thực hiện trong xây dựng NTM. Để giải quyết vấn đề này, cần có chính sách đủ mạnh về nguồn vốn, đất đai, tín dụng… thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư các khu xử lý rác tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh; ứng dụng công nghệ xử lý chất thải an toàn với môi trường, không gây ô nhiễm thứ phát, tạo môi trường sống sạch, đẹp cho nông thôn.

Thứ năm, tán thành với Báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến thẩm tra của Chính phủ, kịp thời bổ sung mục tiêu bình đẳng giới vào quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình. Với hơn 50% dân số, 48,7% số lao động nông thôn, phụ nữ vừa là chủ thể, vừa là nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM, vừa là người trực tiếp thụ hưởng những thành quả tốt đẹp mà NTM mang lại. Việc cụ thể hoá các tiêu chí về NTM đảm bảo vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng NTM. Thời gian tới, đề nghị bổ sung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu về Bình đẳng giới trong xây dựng NTM.

Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội!

PV