Văn Miếu Bắc Ninh - Biểu tượng của truyền thống hiếu học vùng Kinh Bắc
(BNP) - Văn Miếu Bắc Ninh là 1 trong 6 văn miếu ở Việt Nam, có giá trị lịch sử, văn hóa, phản ánh truyến thống khoa bảng của vùng quê Kinh Bắc qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước thuộc các triều đại phong kiến. Văn Miếu Bắc Ninh là niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của quê hương và là một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.
Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng trên núi Phúc Sơn, thuộc khu 10 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Văn miếu được xây dựng trước thời Nguyễn (muộn nhất vào thời Lê), để thờ phụng và tế lễ “Đức Khổng Tử” - người được tôn vinh là “Thánh sư” hay “Vạn thế sư biểu” và Tứ phối - các chư hiền của đạo Nho là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử (các vị được phối thờ với Khổng Tử). Tổng thể công trình Văn Miếu Bắc Ninh hiện nay gồm: Cổng Nghi môn, toà Tiền tế 5 gian 2 dĩ, 2 bên hồi Hậu đường là 2 toà Bi đình 5 gian 2 dĩ, 2 bên hồi Tiền tế là 2 toà Tả vu - Hữu vu, tại sân chính giữa cổng Nghi môn và toà Tiền tế dựng bia bình phong.
Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, tại Văn Miếu tổ chức lễ dâng hương có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để tưởng niệm các bậc tiền nhân, cầu mong quốc thái dân an, tỉnh Bắc Ninh ổn định phát triển, sự nghiệp giáo dục ngày càng tiến bộ. Nơi đây cũng thường đón tiếp các Đoàn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của tỉnh Bắc Ninh đến dâng hương, báo công sau mỗi kỳ thi.
Cổng di tích được xây dựng Tam môn, cột trụ lồng đèn, hai trụ giữa đình đắp phượng tại thành trái giành, hai trụ bên đặt nghê chầu. Xung quanh lồng đèn, các ô chính đắp nổi kênh bong Tứ linh Tứ quý.
Tấm bia đá (bia bình phong) dựng giữa sân Văn miếu “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn miếu bi ký” (Bia ghi việc trùng tu Văn miếu Bắc Ninh); có kích thước lớn gần 10m2, được coi là bảo vật của Văn miếu. Trên tấm bia ca ngợi vai trò, ý nghĩa của Văn Miếu, cũng như tôn vinh những bậc hiền tài.
Trung tâm di tích là tòa Tiền tế gồm 5 gian 2 dĩ, dựng trên nền bó gạch cao hơn sân 55 cm. Phía trước mở cửa bức bàn 3 gian giữa, hai gian bên trổ cửa hình chữ Thọ.
Hai hồi tường xây gạch kiểu bình đầu dật cấp, nối cánh phong, cột trụ lồng đèn, đình trải giành. Bờ nóc xây chỉ, hai đầu đắp rồng hóa, chính giữa là đôi rồng chầu mặt nguyệt.
Hậu đường kế tiếp sau Tiền đường và nối với nhau bằng một gian giải muống tạo thành chữ Công. Nhà Hậu đường 5 gian được đục chạm Tứ quý. Hậu đường là nơi tôn thờ Chu Công, Khổng Tử, Tứ Phối.
Nối liền hai đầu hồi nhà Hậu đường, bên phải dựng nhà bia, bên trái nhà Tạo soạn, mỗi công trình 4 gian, dựng trên nền bó gạch thấp hơn Hậu đường. Kiến trúc theo lối kéo kìm, qua giang vợt.
Hai nhà Tả vu, Hữu vu dựng dọc hai bên sân trước Tiền đường, mỗi dãy 4 gian, hai dĩ, kiến trúc đơn giản kiểu bình đầu bít đầu, tường xây gạch, mái lợp ngói mũi, mở cửa cánh ván gian giữa.
Bia lưu danh các Tiến sĩ từ năm Bính Tuất (1646) đến năm Giáp Tuất (1694).
Bia lưu danh các Tiến sĩ từ Khoa Đinh Sửu (1697) đến Khoa Đinh Mùi (1727).
Bia lưu danh các Tiến sĩ từ năm Tân Hợi (1731) đến năm Đinh Mùi (1787).
Nét đặc sắc nổi trội trong số toàn bộ những giá trị còn tồn tại của Văn miếu Bắc Ninh chính là 15 tấm bia đá. Trong đó, 12 bia “Kim bảng lưu phương” được dựng năm 1889, lưu danh gần 700 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc là những người làm rạng rỡ truyền thống hiếu học khoa bảng và có công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Vào ngày thứ Tư, thứ Sáu hàng tuần, Văn Miếu Bắc Ninh tổ chức viết thư pháp cho khách tham quan.