Vang danh Đền thờ Nguyễn Đăng Đạo

15/07/2022 07:00

(BNP) - Đền thờ “Lưỡng quốc Trạng nguyên” Nguyễn Đăng Đạo (thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du) được khởi dựng vào khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, là nhà ở cũ của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo lúc thiếu thời và nơi ở của phu nhân khi ông làm quan nơi kinh đô. Sau này, dòng họ Nguyễn Đăng thờ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo và các vị thủy tổ của dòng họ tại ngôi Đền này.

Cổng vào Đền thờ Nguyễn Đăng Đạo.

Nguyễn Đăng Đạo (1651-1719), người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay là thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão). Ông là con của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh và bà Nguyễn Thị Ngọc Nhĩ, cháu Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Ngay từ nhỏ, ông đã thông minh, hiếu học, lại được rèn cặp dạy dỗ trực tiếp từ cha và bác ruột Nguyễn Đăng Cảo. Năm 19 tuổi, ông đi thi Hương đỗ cử nhân, được vào học ở trường Quốc Tử Giám. Năm 33 tuổi, ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên), khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa 4 (1683). Sau khi đỗ Trạng nguyên, ông vào làm ở tòa Đông Các, vì nổi tiếng thơ văn nên được bổ vào làm ở Hàn Lâm Viện. Những năm sau đó, Nguyễn Đăng Đạo tiến nhanh trên con đường quan lộ và làm đến chức Tham tụng (Tể tướng triều đình).

Về sau, khi làm chức Tham tụng, Nguyễn Đăng Đạo sửa sang chính sự, luật lệ, hình phạt nghiêm minh, giải quyết các việc khiếu kiện tồn đọng, chính sách ruộng đất, thuế khóa, hộ tịch, giải quyết việc quan lại hà lạm tiền của nhân dân một cách triệt để. Tuy làm quan to trong triều, nhưng Nguyễn Đăng Đạo luôn giữ phong thái liêm khiết, giản dị, gần gũi với nhân dân, quan tâm đến đời sống dân chúng. Tài năng và đức độ của Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo được vua Lê truy phong mỹ tự “Lưỡng quốc trạng nguyên” và được triều đình sắc phong Thần, địa phương đưa vào đình làng phụng thờ.

Đền thờ Nguyễn Đăng Đạo nằm ở phía Nam của làng Hoài Thượng, phía trước Đền là ao chùa, phía còn lại là khu dân cư. Kiến trúc công trình làm theo kiểu chữ Nhị gồm: Hậu cung 3 gian 2 dĩ, Tiền tế 3 gian 2 chái. Năm Đinh Tỵ triều vua Khải Định (1917), dòng họ tiến hành tu sửa những chỗ hỏng tòa Tiền đường, thay bằng gỗ xoan.

Năm 1980, dòng họ lại tu sửa tiếp và bỏ phần đao góc của tòa Tiền tế do không có điều kiện phục nguyên như xưa. Đến năm 2008, hai chái của tòa Tiền tế được phục hồi như hiện nay gồm các hạng mục công trình: Hậu cung, Tiền Tế, Tam môn, nhà khách, công trình phụ trợ, sân… nằm trong không gian khép kín.

Tiền tế nằm liền kề, song song với tòa Hậu cung tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Nhị. Tiền tế gồm 3 gian 2 chái làm theo kiểu “4 mái đao cong”. Kết cấu hệ khung chịu lực được làm bằng gỗ xoan và lim với 4 bộ vì chính, mỗi bộ vì có 4 hàng chân cột đặt trên tảng kê bằng đá. Nền tòa Tiền tế được lát gạch bát màu đỏ, phía trước mở cửa đi ở 3 gian giữa, theo kiểu “thượng song hạ bản”, đầu hồi và phía trước 2 chái xây tường bao, trổ cửa sổ hình chữ “Thọ”, phía sau để thông lên Hậu cung.

Hậu cung có kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc”, hệ chịu lực làm bằng gỗ lim, gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian, 2 dĩ, mỗi bộ vì gồm 2 hàng chân cột, kết cấu kiến trúc giống nhau kiểu “vì kèo”. Hậu cung mở cửa đi phía trước ở 3 gian giữa, mỗi gian gồm 4 cánh cửa ghép vào nhau kiểu “thượng song hạ bản”, các phía còn lại xây tường bao. Các thành phần kiến trúc được bào trơn đóng bén, gờ chỉ đơn giản, nền lát gạch bát.

Đền thờ Nguyễn Đăng Đạo là nơi phát huy truyền thống học hành, duy trì các thuần phong mỹ tục của họ Nguyễn Đăng. Hàng năm tại di tích diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa như: giỗ chung họ Nguyễn Đăng và cũng là ngày giỗ ông Nguyễn Đăng Đạo (ngày 28 tháng 2). Ngoài ra còn có các hoạt động khác như: vinh danh con cháu dòng họ có thành tích học tập xuất sắc, những người có học hàm, học vị từ Thạc sĩ trở lên, các trường học tổ chức đến tham quan, học tập tại di tích…

Đền thờ Nguyễn Đăng Đạo được xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 1994.

A.T