Về nơi cội nguồn dân tộc
Sự nghiệp khai sơn sáng thuỷ của các bậc thuỷ tổ dân tộc Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, không những được sử sách lưu danh ca ngợi, mà dân gian truyền tụng từ đời này sang đời khác.
Ở thôn Á Lữ xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành - Bắc Ninh) nơi có đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng về cội nguồn dân tộc.
Không biết từ thuở nào, mỗi dịp xuân về, trong không khí tươi tốt của vạn vật, nhiều người con đất Việt ở khắp mọi miền, lại có những cuộc hành hương tìm về cội nguồn vùng đất Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh, nơi có đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những bậc thuỷ tổ dân tộc ta có công khai sơn sáng thuỷ.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của nhà sử học Ngô Sỹ Liên viết vào thế kỷ XV, đã cho biết khá rõ về các bậc thuỷ tổ dân tộc như sau: “Vương húy là Lộc Tục, vốn là dòng dõi Thần Nông thị. Xưa kia vào năm Nhâm Tuất, cháu ba đời của Viêm Đế Thần Nông thị là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Sau Đế Minh nhân đi tuần du phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra Kinh Dương Vương. Vương là bậc thánh trí thông minh. Đế Minh rất yêu quý, muốn truyền ngôi cho. Vương ra sức nhường lại cho anh, không dám nhận mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi nối ngôi cai quản phương Bắc, lại phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai quản phương Nam gọi là nước Xích Quỷ. Vương lấy con gái Động Đình quân là Thần Long rồi sinh ra Lạc Long Quân”. Ngoài sách trên, còn nhiều thư tịch sử cổ như: Việt sử diễn âm, Việt sử lược biên, Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam nhất thống chí, Bắc Ninh địa dư chí… đã ghi chép ca ngợi về các bậc thuỷ tổ dân tộc Kinh Dương Vưong, Lạc Long Quân, Âu Cơ là những người có công khai sơn sáng thuỷ gây dựng nên đất nước ta.
Quần thể di tích đền thờ và lăng mộ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ đều thuộc thôn Á Lữ, huyện Thuận Thành. Làng cổ này nằm bên sông Đuống, xưa còn có tên là “Phúc Khang”, từ lâu đời các bậc tiền nhân dựng lên 2 ngôi đền phía Tây làng để thờ các bậc thuỷ tổ dân tộc: đền Thượng thờ Kinh Dương Vương, đền Hạ thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, lăng mộ Kinh Dương Vương nằm ở ngoài đê trên bãi bồi quanh năm cây cối um tùm xanh tốt. Trước năm 1949, khi giặc Pháp chưa phá hoại, hai ngôi đền có quy mô kiến trúc to lớn, chạm khắc trang trí “tứ linh tứ quý” lộng lẫy. Hoà bình lập lại, dân làng đã chuyển toàn bộ đồ thờ tự quý như: ngai, kiệu, thần phả, sắc phong… thờ tại ở Văn Chỉ giữa làng. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc thuỷ tổ được xây dựng theo kiểu thức truyền thống. Ngôi đền có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, mái ngói đao cong duyên dáng. Phía ngoài đê là Bãi Lăng nơi có lăng mộ Kinh Dương Vương cũng được tu tạo quy hoạch khang trang.
Dẫu trải thăng trầm lịch sử, quần thể di tích đền thờ lăng mộ Kinh Dương Vương còn bảo lưu được là những tài liệu cổ vật quý giá như: thần phả, sắc phong, bia đá, hoành phi, câu đối. Tại lăng mộ Kinh Dương Vương có tấm bia đá còn nguyên dòng chữ Hán “Kinh Dương Vương lăng”, niên đại “Minh Mệnh nhị thập nhất niên” (1840). Về vấn đề này, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết về việc trùng tu và lập bia đá ở đây như sau: “Lăng Kinh Dương Vương ở xã Á Lữ huyện Siêu Loại, năm Minh Mệnh thứ 21 cho tu sửa và lập bia”. Trong đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý như: ngai, bài vị, thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối ghi chép rõ lai lịch và công trạng người được thờ. Hoành phi “ Nam tổ miếu” (Miếu thờ thuỷ tổ nước Nam). Câu đối: “Việt Nam hoàng đồ vạn lý giang sơn đế tạo thuỷ/Hồng Bàng đế trụ thiên thu hà lạc tú linh chung” (Cương Vực Việt Nam núi sông vạn dặm được đế vương tạo dựng từ trước/Họ Hồng Bàng đế vương gìn giữ ngàn năm còn để lại tiếng linh thiêng); “Phụ đạo thiên niên quốc/Âu Cơ bách noãn bào” (Đạo của người cha ngàn năm vẫn còn cùng với đất nước/Mẹ Âu Cơ là người sinh ra bọc trăm trứng). Đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều vua phong tặng Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ như sau: 1 sắc phong Gia Long 9 (1810), 1 sắc phong Minh Mệnh 2 (1821), 2 sắc phong Thiệu Trị 2 (1842), 2 sắc phong Thiệu Trị 6 (1846), 2 sắc phong Tự Đức 3 (1850), 1 sắc phong Tự Đức 33 (1880), 2 sắc phong Đồng Khánh 2 (1887), 1 sắc phong Duy Tân 3 (1909) và 2 sắc phong Khải Định 9 (1924).
Việc tôn thờ các bậc thuỷ tổ dân tộc Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã đi vào tâm linh tín ngưỡng của dân tộc ta. Sách Bắc Ninh dư địa chí cho biết như sau: “Đền Kinh Dương Vương ở xã Á Lữ huyện Siêu Loại, gần sông Thiên Đức, lăng của vua cũng ở phía trên bờ sông, cách đền vài trăm bước. Xưa nơi này vốn rậm rạp, triều vua Minh Mệnh tu sửa lại, dựng bia. Xếp vào loại miếu thờ đế vương, các triều đại mỗi lần quốc khánh, vua sai quan đến tế”. Tục truyền, hàng năm cứ đến ngày 18 tháng Giêng, đền đình thôn Á Lữ thờ các vị thuỷ tổ dân tộc lại được mở hội. Xưa kia để lo việc đình đám, ngay từ trong năm làng đã họp bàn để bầu Quan đám và phân việc cho các giáp. Giáp đăng cai lễ hội được nhận ruộng công nuôi lợn tế và làm bánh chưng, bánh dầy tế Thần. Vào hội, ngay từ ngày 12, đền đình được mở cửa để bao sái đồ thờ tự phong cờ quạt. Đến ngày 16, làng tổ chức rước nước từ sông Đuống về đình để tế lễ quanh năm. Ngày 17, làng tổ chức rước kiệu từ đình xuống đền Thượng nơi thờ Kinh Dương Vương và đền Hạ nơi thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ để xin rước các bậc thuỷ tổ dân tộc về đình để tế lễ. Từ ngày 18 đến 24, mỗi ngày một tuần hương tế. Lễ vật tế Thần có lợn nguyên cả con, bánh chưng, bánh dầy. Đến ngày 25 tế giã đám tại đền Thượng và đền Hạ bằng cá gỏi. Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí như: tuồng, chèo, đu, vật… Ngoài ngày đình đám, còn có những ngày sự lệ riêng của đền Thượng và đền Hạ. Tục truyền, cứ đến ngày 15 tháng 8 (âm lịch), dân làng làm 3 mâm xôi, 3 mâm trám đen và 3 mâm cá gỏi để tế lễ các bậc thuỷ tổ dân tộc-Con số 3 ở đây tượng trưng cho số nhiều. Các mâm tế: “Trám đen” tượng trưng cho 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên vùng rừng núi sinh cơ lập nghiệp; còn các mâm “cá gỏi” tượng trưng cho 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống vùng biển khai lập.
Nguồn:
BBN