Xác định rõ “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công để khẩn trương tháo gỡ

17/09/2024 14:16

(BNP) - Sáng 17/9, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9/2024. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo phiên họp.

Dự phiên họp có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh 09 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu 3 tháng cuối năm 2024, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với quyết tâm cao trong lãnh chỉ đạo và điều hành, Bắc Ninh tập trung thực hiện quyết liệt Chủ đề công tác năm 2024 đã đề ra và đến nay đã đạt được một số kết quả nổi bật. Tăng trưởng kinh tế có sự khởi sắc, GRDP 9 tháng đầu năm dự kiến tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương 8,1%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đào Quang Khải phát biểu tại phiên họp.

Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 8,9%; thu ngân sách nhà nước tăng 21,5%. Hoạt động đối ngoại, hợp tác với các địa phương, đơn vị tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao vị thế của tỉnh; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) những tháng đầu năm 2024 đứng đầu cả nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng phát biểu tại phiên họp.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định vị thế tốp đầu cả nước, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024 đứng đầu cả nước về tỷ lệ thí sinh dự thi đạt giải Nhất, đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ thí sinh dự thi đạt giải. Đặc biệt, Kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024, tỉnh Bắc Ninh có 03 học sinh dự thi, trong đó, 01 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế môn Hóa học; 01 học sinh đoạt Huy chương đồng Olympic quốc tế môn Toán; 01 học sinh đoạt Huy chương đồng Olympic Vật lý Châu Âu năm 2024.

Giám đốc Công an tỉnh Bùi Duy Hưng.

Cùng với đó, triển khai các mục tiêu quy hoạch, đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, gia tăng tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại hiện đại, dịch vụ tiện ích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Xuân.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến ngày 14/9, toàn tỉnh giải ngân được 2.435 tỷ đồng (bao gồm cả vốn kéo dài), đạt tỷ lệ 37,5% so với số 03 cấp UBND tỉnh - huyện - xã phân bổ chi tiết; đạt 26,6% so với số vốn Chính phủ giao; đạt 24,9% so với số HĐND tỉnh giao; đạt 27,9% so với số UBND tỉnh giao phân bổ chi tiết và giao UBND cấp huyện. Tỷ lệ giải ngân trung bình toàn tỉnh tuy có tăng nhưng vẫn ở mức rất thấp so với mức trung bình cả nước đạt 40,49%.

Dự báo ước thực hiện cả năm 2024, toàn tỉnh có 2/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 8/17 chỉ tiêu đạt kế hoạch và 5/17 chỉ tiêu cần tiếp tục quyết tâm phấn đấu để đạt kế hoạch; 2/17 chỉ tiêu tính số liệu cuối năm.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nguyễn Phương Bắc.

Trên cơ sở ý kiến của các Sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn đánh giá cơn bão số 3 vừa qua gây ra nhiều khó khăn cho tình hình thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, nhất là chỉ số về sản xuất nông nghiệp. Nhấn mạnh, quý IV có vai trò quan trọng, giai đoạn nước rút nỗ lực hoàn thành 17 chỉ tiêu kế hoạch năm. Vì vậy, các Sở, ngành, địa phương phối hợp với Cục Thống kê rà soát chi tiết và hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu trong khả năng thực hiện được; đồng thời tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội; chỉ đạo rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế, phân công tổ chức, cá nhân phụ trách; có lộ trình, giải pháp, thời gian hoàn thành cụ thể nhằm phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024 đặt ra.

Giám đốc Sở Nội vụ Lê Hồng Phúc.

Đánh giá về vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng tỷ lệ giải ngân thấp do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó, có sự thiếu chủ động phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương trong giải quyết tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án; năng lực của một số nhà thầu thi công còn thấp.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thị xã Thuận Thành, các huyện: Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du và các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức bình quân cả nước tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được phân bổ. Đồng thời, khẳng định lãnh đạo tỉnh sẵn sàng làm việc, tháo gỡ cho các Sở, ngành, địa phương khi có “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Việt Hùng.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhất trí thông qua báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cải thiện các chỉ số đánh giá năng lực điều hành của tỉnh Bắc Ninh của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Báo cáo đã đánh giá toàn diện kết quả nâng cao, đẩy mạnh các chỉ số về: Hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); Cải cách hành chính (PAR INDEX); Chuyển đổi số (DTI) và sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (ICT Index); Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Xanh cấp tỉnh (PGI).

Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Hữu Hùng.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, việc đánh giá kết quả hàng tháng là thiết thực và cần thiết, đây là thước đo trung thực, đánh giá khách quan mức độ hiệu quả và trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và các chỉ số về chất lượng quản trị địa phương. Các Sở, ngành, địa phương tổng hợp báo cáo kết quả gửi Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh vào ngày 25 hàng tháng để có sự điều chỉnh kịp thời.

Đối với chỉ số SIPAS, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công các cấp thực hiện theo đúng tiêu chuẩn ISO. Trường hợp hồ sơ yêu cầu bổ sung, từ chối giải quyết, cán bộ trực tiếp giải quyết phải đính kèm văn bản nêu rõ lý do yêu cầu bổ sung, từ chối. Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh xây dựng mẫu văn bản chung cho phù hợp, thống nhất về cách thức chung cho các Sở, ngành, địa phương.

Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lê Ngọc Tú.

Về chỉ số PAR INDEX, các Sở, ngành khẩn trương hoàn thiện việc sắp xếp xử lý nhà đất xong trước 30/11/2024; thực hiện số hóa hồ sơ tài liệu lưu trữ theo quy định; hoàn thiện thủ tục công bố danh mục thủ tục hành chính và quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trong tháng 10/2024. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, có hình thức nhắc nhở, xem xét thi đua đối với các đơn vị có cán bộ để số lượng hồ sơ giải quyết quá hạn cao. Tăng cường cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin điện tử các các cơ quan, đơn vị để cải thiện chỉ số tính minh bạch.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh theo dõi sát sao, triển khai các giải pháp nhằm lấy lại danh tiếng địa phương nằm trong tốp 10 cả nước về 02 chỉ số PCI và PGI.

Chủ tịch UBND thành phố Từ Sơn Đỗ Tuấn Sơn.

Phiên họp cũng xem xét và cho ý kiến vào các nội dung: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 (lần 6); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; Kế hoạch gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; Quy định về quy trình, cơ chế giải quyết vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về đầu tư, kinh doanh liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh; tình hình thực hiện Quy chế quản lý Cụm công nghiệp; kết quả 05 năm thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất...

S.T