Xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế”
(BNP) - Sáng 02/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế (HNQT)” chủ trì phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh.
Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan dự.
Thực tiễn triển khai Nghị quyết số 22 trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy đây là một định hướng chiến lược hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Việt Nam hiện đang thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 07 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 07 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó, có tất cả các nước lớn. Đồng thời, chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như tham gia sâu rộng vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA…, góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019 - 2022, năm 2022 đạt 431 tỷ USD...
Tại phiên họp, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tập trung đánh giá các kết quả lớn, các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Nghị quyết. Đồng thời, đề xuất các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả HNQT trong bối cảnh mới, trước mắt là giai đoạn từ nay tới 2030 và đưa ra các phương án cần xin ý kiến Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu sau phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết số 22 là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy HNQT của Đảng và Nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động, tích cực HNQT” toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Nêu một số định hướng để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Đề án, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo với hình thức phù hợp về HNQT trong tình hình mới, Thủ tướng cho rằng trước hết, cần tiếp tục suy nghĩ, vận dụng sáng tạo 3 trụ cột trong xây dựng và bảo vệ đất nước, đó là: xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng đề nghị Tổ Biên tập nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện Đề án và khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện tổng kết, bảo đảm lộ trình, chất lượng xây dựng Đề án theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Lãnh đạo các Sở, ngành dự phiên họp.
Ngay sau phiên họp, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang yêu cầu các Sở, ngành tiếp tục quán triệt, triển khai đường lối của Đảng, chính sách, quy định của Nhà nước về HNQT trên tất cả các lĩnh vực theo các nội dung của Nghị quyết số 22.
Văn phòng UBND tỉnh tích cực làm việc với các cơ quan của Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài để tìm kiếm địa phương phù hợp, có điều kiện phát triển tương đồng với tỉnh; chỉ đạo một số huyện, thị xã, thành phố xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác cấp huyện với địa phương nước ngoài. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan thúc đẩy ngoại giao kinh tế, tập trung vào công tác xúc tiến đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Ban Quản lý các KCN tỉnh triển khai kịp thời có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại và du lịch. Chủ động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc, chất lượng theo định hướng của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế, chính sách, chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.