Xuân về nơi đầu sóng

10/02/2022 08:30

Những ngày cuối năm, nắng bỏng rát, biển động dữ dội. Từng cơn gió vun vút mang hơi muối mặn tràn qua đảo khiến cho màu xanh dần chuyển sang màu vàng úa. Đó là lúc những người lính Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió háo hức, mong chờ con tàu mang hơi ấm từ đất mẹ yêu thương-chuyến tàu cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ quân dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa ăn tết. Quân và dân Trường Sa luôn tâm niệm rằng cứ tàu ra cấp cấp hàng là tết đến, xuân về.

Vận chuyển lương thực thực phẩm lên đảo Len Đao.

Ở Trường Sa không có chợ tết, không có cảnh tấp nập người mua, người bán như trong đất liền nhưng ai nấy đều hối hả với công tác chuẩn bị vui xuân, đón tết. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và nhân dân, những năm gần đây Tết ở đảo xa cũng đầy đủ, tươm tất như ở trong đất liền. Những chuyến tàu Hải quân không chỉ mang ra đảo lương thực, thực phẩm như: Ngan, gà vịt, lợn, cá nước ngọt, rau củ quả... bảo đảm cho quân dân trên đảo có một cái Tết vui vẻ mà còn đưa đảo xa gần hơn với đất liền yêu thương.

Xuân Trường Sa

Trên đảo Len Đao, cán bộ, chiến sĩ vừa tập trung huấn luyện sẵn sàng chiến đấu vừa tích cực làm công tác chuẩn bị như: Quét vôi ve, sơn sửa doanh trại, cắt tỉa bồn hoa, cây cảnh, vệ sinh môi trường xung quanh đảo, cắt tỉa vườn hoa cây cảnh… Thượng úy Lê Minh Khánh Hưng, Chính trị viên đảo cùng tổ văn nghệ xung kích miệt mài luyện tập các tiết mục văn nghệ cho chương trình vui xuân đón giao thừa và chuẩn bị các trò chơi dân gian trong ngày tết. Nói là tổ văn nghệ xung kích nhưng thực tế là tất cả các đồng chí không bận công việc đều tích cực tham gia. Chính trị viên Lê Minh Khánh Hưng chia sẻ: “Đón tết ở đảo xa nhưng chúng tôi vẫn tổ chức gói bánh chưng, bánh tét, chế biến các món ăn ngày tết và tổ chức các hoạt động vui xuân đón tết đậm đà hương vị tết cổ truyền của dân tộc”.

Đón xuân trên đảo không có cành mai, cành đào như ở đất liền, nhưng những người lính có thâm niên đi đảo truyền tay nhau cách làm cây mai, đào thế đúng chất lính đảo. Vỏ của một con ốc tai tượng to cỡ bằng cái mũ cối được sử dụng làm chậu cây bon sai. Một thanh thép được uốn làm thân chính, các thanh thép nhỏ hơn uốn làm cành. Để thân cây to, xù xì có màu xanh rêu như thân mai thật, các chiến sĩ dùng giấy báo cũ vo thành các đoạn thân, sau đó dùng bao bảo quản cắt thành các đoạn dây rồi quấn ép giấy báo theo các đoạn thép thành thân và cành. Hoa và lá mai làm bằng nhựa được mua sẵn và gửi ra từ đất liền. Cây mai tự chế gốc xù xì, thân uốn lượn, hoa rực rỡ, nếu không nhìn kỹ sẽ nhầm thành những cây mai bon sai bán ở chợ hoa ngày tết.

Đã 6 năm đón tết trên huyện đảo Trường Sa, nhưng Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Đức Khánh, Nhân viên báo vụ đảo Len Đao vẫn xúc động khi kể về thời khắc giao thừa trên đảo: “Tôi nhiều năm trực tết và đón giao thừa trên biển nhưng cảm xúc của tôi vẫn như lần đầu tiên, có gì đó rất thiêng liêng và tự hào”.

Cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị mâm ngũ quả đón xuân mới.

 Trao đổi về việc tổ chức đón tết cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Thượng úy Lê Minh Khánh Hưng chia sẻ: “Tết đến, xuân về ai cũng muốn được sum vầy cùng người thân, gia đình nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn xác định tốt nhiệm vụ được giao nên anh em thấy được vinh dự, tự hào được đón tết nơi biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhờ đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, 6 năm liên tục đảo Len Đao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo để nhân dân vui xuân, đón tết”.

Đêm giao thừa ở Trường Sa mọi người thường không ngủ. Quân và dân trên các đảo cùng tham gia đêm giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ và đón giao thừa. Sau khi nghe Chủ tịch nước đọc lời chúc Tết mọi người quây quần bên mâm cỗ và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tết nơi đảo xa nhưng ấm áp, đủ đầy và thắm đượm tình đồng đội.

Ấm áp tình quân dân

Nhiều năm đánh bắt thủy, hải sản ở ngư trường Trường Sa, anh Trần Minh Công, Thuyền trưởng tàu cá BTh 99235 TS quê ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình thuận thường xuyên đưa tàu vào đảo Len Đao. Khi thì vào đóng dấu chứng nhận đánh bắt xa bờ, khi thì xin thuốc cho ngư dân đau ốm, xin nước ngọt, mớ rau hoặc chút lương thực, thực phẩm, Thuyền trưởng Công đã trở thành người quen của cán bộ chiến sĩ trên đảo.

Sau tết Nguyên đán cổ truyền, giá hải sản thường tăng cao vì vậy anh Công cùng các ngư dân đánh bắt qua tết đến mồng 2 mới về bờ để tăng thêm thu nhập. Cùng với mấy ngư ngư dân mang cho bộ đội ít cá tươi ăn tết anh Công trải lòng: “Ăn tết trên biển buồn lắm mấy anh ơi! May có các anh Hải quân, chúng tôi có miếng bánh chưng, bánh tét… có thêm hương vị tết nên bà con ngư dân thấy ấm lòng”.

Quân và dân trên đảo Song Tử Tây gói bánh chưng ngày tết.

Nhiều năm gần đây, Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương (CLB) thuộc Trung tâm Tình nguyện quốc gia (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển, đảo Tổ quốc. CLB Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương phối hợp cùng Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam vừa tổ chức chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo” năm 2022. Năm nay, ngoài các phần quà để quân, dân Trường Sa vui xuân đón tết, lần đầu tiên CLB đã tổ chức triển lãm “Những cánh thư vượt sóng”. Sau 20 ngày phát động, CLB đã tiếp nhận hàng vạn thư, thiếp chúc tết của giáo viên và học sinh, phần lớn là cấp tiểu học và trung học cơ sở trong cả nước. Trong đó có những thư thiếp tập thể làm rất công phu, thể hiện rất đẹp. Có những cô giáo là vợ bộ đội làm thư thiếp. Có học sinh làm thiếp gửi cho bố là đang công tác tại huyện đảo Trường Sa…

Anh Trần Vũ Thành, Chủ nhiệm CLB Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương cho biết: CLB tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối thanh niên với các hoạt động vì biển, đảo của Tổ quốc. Chúng tôi mong muốn phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thông qua đó thể hiện sự quan tâm đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền biên cương, hải đảo, giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước.

Đón nhận những phần quà của CLB Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương và các tổ chức, cá nhân gửi tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đón tết, ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa phấn khởi: “Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm, động viên, những tấm lòng thơm thảo của các cơ quan, đoàn thể, của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài đã dành tặng cho quân và dân Trường Sa. Thay mặt Đảng ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trên huyện đảo chúng tôi xin hứa sẽ khắc phục khó khăn, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.

Vui xuân, đón tết nhưng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn nêu cao cảnh giác bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tình hình trên Biển Đông diễn biến khó lường, tiềm ẩn nguy cơ xung đột vì vậy nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ trên huyện đảo Trường Sa ngày càng nặng nề, phức tạp. Cấp ủy, chỉ huy các đảo đã quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết các cấp, tập trung sức lãnh đạo, xử lý khắc phục dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu; phát huy nội lực kết hợp với các nguồn lực khác, làm tốt công tác giáo dục chính trị.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Ngô Văn Hưng, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu đặc biệt là trong dịp tết Nguyên đán cổ truyền, chúng tôi duy trì nghiêm nền nếp chế độ trực sẵn sàng chiến đấu ở các cấp theo quy định; quan sát phát hiện kịp thời các mục tiêu, xử trí đúng phương châm tác chiến, đối sách trên biển. Thông qua luyện tập, giúp đội ngũ cán bộ các cấp nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, giúp cho bộ đội không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”.

Trang trọng và thiêng liêng nhất trong những ngày Tết ở Trường Sa là Lễ chào cờ sáng mồng 1-ngày đầu tiên của năm mới. Trên các đảo, cán bộ chiến sĩ trong quân phục chỉnh tề sếp thành hàng thẳng tắp đứng nghiêm trang dưới lá cờ đỏ sao vàng đang phấp phới tung bay trong xuân sớm. Lời Quốc ca hùng tráng hòa cùng tiếng sóng, tiếng gió… vang vọng khắp biển trời bao la. Lời bài hát như lời thề của những người con đất Việt, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì sự bình yên cho biển, đảo quê hương.

Nguồn: baohaiquanvietnam