Xuân về trên làng nghề Đại Bái

28/01/2019 13:50

(BNP) – Chúng tôi về làng nghề Đại Bái, huyện Gia Bình vào một ngày cuối đông, khi Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang cận kề. Những ngày này, hàng trăm lò, mấy nghìn lao động của làng nghề đang hối hả sản xuất từ sáng sớm tới tối muộn để kịp giao những chuyến hàng cuối năm. Hòa chung vào thời điểm mùa vụ là niềm vui “đắt hàng, được giá” khiến cho làng nghề trở nên tất bật, rộn ràng hơn.

Nhiều mặt hàng được bày bán phục vụ nhu cầu sắm Tết cho người tiêu dùng.

Làng Đại Bái (hay còn gọi là làng Bưởi) thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, hiện nay làng có 5 xóm, mỗi xóm chuyên một loại sản phẩm như: Xóm Sôn chuyên đồ thờ và chậu; xóm Tây chuyên về mâm, chiêng, cồng, thanh la; xóm Giữa chuyên niêu, siêu; xóm Ngoài chuyên nồi; xóm Đống đất chuyên đúc đồng. Những năm chiến tranh, làng nghề bị thất truyền, số nghệ nhân cũng vì đó mà ít dần. Từ những năm 1990 đến nay làng nghề được khôi phục. Hiện nay, làng Đại Bái có trên 70 doanh nghiệp và gần 700 hộ làm nghề với hơn 1.700 lao động chuyên làm các mặt hàng từ đồng, nhôm truyền thống.

Tiếp chúng tôi, dù công việc cuối năm khá bận rộn song Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Quảng không giấu nổi niềm vui phấn khởi khi thông tin cho chúng tôi về hoạt động làng nghề của địa phương: “Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, một số doanh nghiệp, hộ sản xuất đã nỗ lực bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống của cha ông phát triển, đưa sản phẩm làng nghề tới nhiều vùng miền trong cả nước và vươn ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2016 sản phẩm đồ đồng Đại Bái được cấp chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu tập thể, chính vì vậy, bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan,... thì nay đồng Đại Bái đã xuất khẩu sang được các thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước Châu Âu và Đông Nam Á… nhờ đó doanh thu của xã không ngừng tăng qua các năm, năm 2017 đạt gần 240 tỷ đồng, năm 2018 doanh thu ước đạt 260 tỷ, đời sống của người dân nơi đây ngày càng được tăng lên”.

Dạo quanh làng Đại Bái, nghe những âm thanh rộn ràng của đe, búa vang lên như hối hả chạy đua với thời gian khi những ngày Tết đến Xuân về đang cận kề. Gần 1km từ đầu làng đến cuối làng, hàng chục cửa hàng san sát, bày biện vô số những món đồ khác nhau, tha hồ được sờ, được ngắm từ những bộ đỉnh đồng với nhiều kiểu dáng và mẫu mã, đến các bức tranh mừng thọ… hay những sản phẩm với chủ đề dân gian như tranh làng quê, tranh ngựa, bộ tứ quý, tượng đồng từ to đến nhỏ, sống động, đẹp mắt. Những ngày này, du khách từ mọi miền về đây không chỉ để tham quan, mà còn mong muốn có thể mua cho mình những món đồ ưng ý để chơi Tết.
 
Ấp ủ dự định đến với làng nghề đúc đồng Đại Bái đã từ lâu, xong cho đến hôm nay anh Vũ Văn Thao (Sơn Tây, Hà Nội) mới có thời gian để đặt chân đến nơi này. Đứng trước những sản phẩm độc đáo, mới lạ làm từ đồng, anh Thao chia sẻ: “Tôi cảm thấy khâm phục sự khéo léo, sáng tạo của những nghệ nhân tại đây, các sản phẩm đồng rất đẹp, tinh xảo, điêu luyện. Tôi đã chọn lựa và mua được vài thứ cần thiết như bộ lư đồng, lọ hoa sen và một số sản phẩm khác để thờ cúng tổ tiên”.
 
Nghệ nhân Nguyễn Đức Ngà thử tiếng thanh của chiêng.
 
Cũng giống anh Thao, anh Nguyễn Văn Hải (xã Đại Xuân, huyện Quế Võ) đến với làng nghề Đại Bái với mong muốn mua 1 bức tranh mừng thọ mẹ trong dịp Tết này. Vừa ngắm nghía lựa chọn sản phẩm, anh Hải vừa chia sẻ: “So với câu đối chúc thọ bằng vải trước đây người ta hay dùng mỗi dịp Tết đến Xuân về, thì nay tranh đồng với nhiều mẫu mã đẹp, được trạm trổ tinh xảo, thêm vào đó lại có độ bền cao, được dùng phổ biến hơn, tuy giá có cao hơn nhưng đáng đồng tiền bỏ ra”.
 
Mỗi năm vào thời điểm này, nhu cầu mua sắm hàng hóa luôn tăng từ 3-4 lần so với ngày thường. Chị Nguyễn Thị Loan, chủ cơ sở sản xuất đồ đồng mỹ nghệ Cảnh Loan chia sẻ: “Cơ sở sản xuất của tôi mở được hơn chục năm nay, thời gian này, cơ sở thường xuyên phải tăng ca đến 1 - 2 giờ sáng mới kịp làm các sản phẩm để trưng bày và trả khách đúng hạn. Ngoài việc bán hàng trực tiếp tại cửa hàng, tôi còn xuất hàng đi rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hiện cơ sở sản xuất của tôi có gần 10 lao động, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 5-6 triệu đồng/lao động, những tháng gần Tết phải tăng ca nhiều mỗi lao động có thể thu nhập có thể lên tới gần 10 triệu/tháng”.

Để gìn giữ và phát triển làng nghề, bên cạnh đó, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất đồ đồng thủ công đã không ngừng cải tiến, nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm. Nhất là chú ý đến việc thay đổi mẫu mã và phát triển thị trường. Nghệ nhân gò đồng thủ công truyền thống Nguyễn Đức Ngà, chủ cơ sở sản xuất chiêng, cồng, thanh la (xóm Tây, xã Đại Bái) chia sẻ: “Cơ sở của tôi hoạt động được gần 40 năm nay đã sản xuất ra hàng nghìn chiếc chiêng, cồng, thanh la xuất đi mọi miền của Tổ quốc. Những năm gần đây để bắt kịp với xu thế phát triển của các làng nghề trong cả nước cũng như đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, ngoài việc nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm thì việc mở rộng thị trường cũng được quan tâm, các sản phẩm của Đại Bái giờ đây không còn bó hẹp quanh làng nghề mà đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến thông qua các cửa hàng đại diện, website quảng bá sản phẩm của làng nghề”.

Chia tay với nghệ nhân Nguyễn Đức Ngà, chia tay với làng nghề Đại Bái nhưng trong tâm trí tôi vẫn văng vẳng câu ca dao về làng Bưởi thuở xưa:

Muốn ăn cơm trắng, cá trôi
Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh
Muốn ăn cơm trắng cá ngần
Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng         
 
Một mùa xuân mới đang về mang theo bao khát vọng, hoài bão của những người dân làng nghề đúc đồng Đại Bái. Nội lực từ chính đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù, sáng tạo của những người thợ đúc đồng nơi đây sẽ góp phần tạo dựng cho nghề truyền thống của quê hương Đại Bái ngày càng khởi sắc.
 
N.N