Đình thôn Đông, xã Hoàn Sơn
(BNP) – Đình thôn Đông (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du) nằm ở vị trí trung tâm của làng trên một thế đất bằng phẳng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1949 ngôi đình bị phá hủy gần như hoàn toàn. Sau khi hòa bình lập lại, nhân dân địa phương dựng thêm 3 gian Đại đình kiến trúc đơn giản bằng gỗ xoan nối với Hậu cung. Năm 1991, Đại đình được trùng tu tôn tạo thành 5 gian. Năm 2009, nhân dân địa phương đã xây dựng ngôi đình mới theo kiểu thức truyền thống.
Toàn cảnh đình thôn Đông.
Căn cứ vào bản thần tích - thần sắc kê khai năm 1938 hiện được lưu tại di tích và truyền kể của các bậc cao niên địa phương cho biết, đình thôn Đông phụng thờ Thành hoàng làng là Bản cảnh thành hoàng và Nguyệt Hằng Sơn thần Ngọc Châu công chúa.
Tòa Tiền tế.
Tòa Đại đình chính giữa đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật”.
Hiện nay, đình có kiến trúc, gồm: Tiền tế, Đại đình, Hậu cung được kết hợp hài hòa tạo thành mặt bằng kiến trúc kiểu “Tiền chữ Nhất hậu chữ Đinh”.
Gian thờ chính bên trong đình.
Bộ siêu đao.
Bộ bát bửu.
Tòa tiền tế có kiến trúc kiểu phương đình “chồng diêm 2 tầng 8 mái”, Tòa Tiền tế có bộ khung bằng chất liệu bê tông cốt thép hình thức theo kiểu vì gỗ truyền thống, gồm 4 bộ vì, mỗi vì 4 hàng chân cột.
Bức hoành phi tại đình.
Hệ thống cửa bức bàn.
Đại đình liền kề sau Tiền tế, Đại đình có kiến trúc 3 gian 2 chái mái đao cong, gồm 4 bộ vì đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Hai bộ vì gian giữa có kết cấu vì nóc theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách trước kiểu “ván mê (cốn), bẩy hiên”.
Họa tiết chạm khắc tại đình.
Đại đình được mở cửa đi ở cả 3 gian 2 chái. Trên bờ nóc trang trí hoa chanh, chính giữa đắp nổi “Lưỡng long chầu nhật”, phía hai đầu trang trí hai con kìm.
Ngai và hòm sắc thế kỷ XX.
Hậu cung có 2 gian nối với gian giữa toà Đại đình tạo thành mặt bằng kiến trúc hình chữ Đinh. Hậu cung có kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc”, mái lợp ngói.
Bia đá thời Nguyễn và bia đá Cảnh Hưng (1778).
Lễ hội truyền thống đình thôn Đông được tổ chức gọn nhẹ hơn từ ngày mồng 7 đến ngày mồng 10 tháng Giêng. Trong những ngày hội, song song với phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi dân gian như: đánh đu, đấu vật, cờ người, bắt vịt… thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Đình thôn Đông được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 14/QĐ-UBND, ngày 10/01/2017.