Di tích lịch sử đền, chùa Nguyệt Hằng
(BNP) - Đền, chùa Nguyệt Hằng (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du) vốn được khởi dựng từ thời Lý. Đền Nguyệt Hằng là nơi phụng thờ và nơi tôn vinh những người có công với dân với nước, có ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc sâu sắc.
Lối vào đền, chùa Nguyệt Hằng.
Chùa Nguyệt Hằng là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần giáo dục và phát huy tình đoàn kết cộng đồng làng xã, giúp con người hướng thiện trừ ác.
Đền Nguyệt Hằng (đền Vua Bà) năm 1962 - 1963 bị tháo dỡ làm trường học và kho hợp tác xã, các đồ thờ tự bị thất lạc và hư hại, nhân dân trong vùng không có điều kiện phục hồi lại khu di tích. Năm 1994, nhân dân và chính quyền địa phương đã góp công góp của khôi phục lại ngôi đền và tồn tại cho đến nay.
Tòa đại đình của đền Nguyệt Hằng.
Gian thờ chính trong đền.
Đền là nơi thờ Nguyệt Hằng Sơn Ngọc Châu công chúa và Bản cảnh thành hoàng.
Cuốn thư tại đình.
Hoành phi tại đền.
Hiện đền có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm: Đại đình 3 gian 2 dĩ kiểu bình đầu bít đốc. Hậu cung 1 gian. Toàn bộ các công trình làm bằng gỗ xoan, trên các cấu kiện kiến trúc chạm khắc trang trí đơn giản soi gờ chỉ, bào trơn đóng bén, mang phong cách kiến trúc truyền thống. Kết cấu vì nóc gian giữa đại đền kiểu “thượng con chồng giá chiêng, hạ kẻ ngồi, kẻ liền bẩy”.
Bộ bát bửu.
Lễ hội đền Nguyệt Hằng được tổ chức từ ngày 14 - 16 tháng Giêng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương tham dự.
Cấu kiện kiến trúc chạm khắc trang trí đơn giản soi gờ chỉ, bào trơn đóng bén.
Đền là nơi thờ Nguyệt Hằng Sơn Ngọc Châu công chúa và Bản cảnh thành hoàng.
Chùa Nguyệt Hằng nằm trên núi Nguyệt Hằng nên lấy tên là Nguyệt Hằng tự. Đến thời Lê (thế kỷ XVIII) nhiều hạng mục công trình được trùng tu tôn tạo, tượng Phật được sơn son thếp vàng đẹp mắt. Khu di tích là trung tâm để nhân dân trong vùng đến tham quan lễ phật.
Lối đi từ đền dẫn lên chùa Nguyệt Hằng.
Tiền đường 3 gian 2 dĩ bộ khung chịu lực bê tông cốt thép.
Hệ thống cửa bức bàn.
Chùa có kết cấu măt bằng kiểu chữ Đinh (J) 3 gian 2 dĩ, 2 mái bình đầu bít đốc cột trụ cánh phong. Tiền đường 3 gian 2 dĩ bộ khung chịu lực bê tông cốt thép, còn các cấu kiện bên trên làm bằng gỗ. Thượng điện 3 gian bộ khung chịu lực bằng vật liệu bê tông cốt thép, từ cột lên câu đầu bằng bê tông, trên là gỗ, bộ vì nóc có kết cấu “con chồng giá chiêng”, vì nách “chồng rường”. Hệ thống cửa bức bàn mở 3 gian giữa, 2 hồi xây tường trổ cửa sổ tròn hình chữ “thọ”, mái lợp ngói mũi hài.
Các khung cột được làm bằng bê tông cốt thép.
Nhà Mẫu 3 gian 2 mái có kết cấu mặt bằng kiểu chữ Đinh. Tiền đường 3 gian, hậu cung 1 gian. Các khung cột được làm bằng bê tông cốt thép. Các bộ vì đơn giản không trang trí. Cửa bằng gỗ theo kiểu bức bàn, bộ mái lợp ngói mũi.
Gian thờ chính bên trong chùa Nguyệt Hằng.
Tòa Cửu Long.
Nhà Tổ 3 gian 2 mái có kết cấu mặt bằng kiểu chữ Nhất. Tiền đường 3 gian. Bộ khung làm bằng gỗ. Các bộ vì nóc kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách “chồng rường”. Cửa bằng gỗ theo kiểu bức bàn, bộ mái lợp ngói mũi.
Hệ thống tượng phật tại chùa.
Chùa là nơi thờ Phật, thờ tổ, thờ mẫu. Phật giáo được Thích Ca Mâu Ni sáng lập, truyền giảng ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ 6 TCN. Chùa thờ Tổ Đạt Ma, có công truyền Phật giáo vào Trung Quốc, và thờ các vị tổ truyền đăng trải các đời thường trụ bản tự.
Gian nhà Tổ.
Các cấu kiện làm bằng gỗ, được chạm khắc tinh xảo.
Ngoài ra chùa còn thờ tam tòa thánh mẫu, (mẫu Thiên, mẫu Địa, mẫu Thủy) và đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo).
Tượng Quan Thế Âm bồ tát.
Tượng A di đà.
Lễ hội được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng. Vào ngày hội chùa thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dâng hương lễ phật. Ngoài ra trong năm nhà chùa cũng tổ chức cúng lễ vào các ngày Phật đản, lễ Vu Lan, trong tháng các ngày tuần rằm, mồng một.
Đền, chùa Nguyệt Hằng được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh, thành phố tại Quyết định số 140/QĐ-CT ngày 29/01/2003.