Nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân Lương Tài phát triển sản xuất, kinh doanh
Bám sát đặc điểm địa bàn và nhu cầu thực tế của hội viên, nông dân, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Lương Tài triển khai có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” nhằm khích lệ, động viên nông dân đổi mới nếp nghĩ, cách làm và khai thác tốt các điều kiện, thế mạnh của địa phương.
Nhận thức được ý nghĩa của sự phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với đời sống của hội viên, nông dân, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Tài có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các cấp Hội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên cán bộ, hội viên, nông dân tích cực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương theo hướng phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nông nghiệp an toàn, công nghệ cao…
Nhiều mô hình làm kinh tế giỏi, hình thành sản xuất theo chuỗi giá trị như: mô hình trồng cà rốt tại xã Minh Tân, Lai Hạ; mô hình nuôi cá lồng trên sông tại Trung Kênh; trồng thanh long ruột đỏ tại xã Trung Chính; nuôi cá công nghệ cao, nuôi tôm nước ngọt tại Phú Hoà; các mô hình chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng hoa màu, cây ăn quả như trồng cam tại Mỹ Hương, trồng rau tại Phú Hoà, Minh Tân... được hình thành và phát huy hiệu quả.
Theo lãnh đạo HND huyện Lương Tài, muốn phát triển vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn hoặc các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị thì cần vận động hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể dưới các hình thức như Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Chi hội nghề nghiệp, Tổ hội nghề nghiệp. Thực tế, HND huyện hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm như: trồng cà rốt, ớt xuất khẩu, măng tây xanh... Khi tham gia chuỗi sản xuất, các hộ có sự liên kết tổ chức sản xuất từ làm đất, thủy lợi, cung ứng giống, vật tư phân bón, dịch vụ vệ sinh môi trường nông thôn... đến thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản; bảo đảm lợi ích nhất định giữa các bên tham gia trên nguyên tắc cùng có lợi.
Để nông dân có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, HND huyện phối hợp với các đơn vị như Trung tâm Khuyến nông huyện, các Công ty giống cây trồng, Công ty phân bón… tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức trồng, chăm sóc, phòng ngừa bệnh trên cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, phương pháp sử dụng phân bón và chế phẩm sinh học theo qui trình khép kín cho hội viên, nông dân. Từ năm 2018 đến nay, HND huyện tổ chức 540 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 40.170 lượt hội viên tham dự; thực hiện cung ứng 619 tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân phát triển sản xuất. Phối hợp với Công ty Cổ phần giống VTNN công nghệ cao Việt Nam triển khai 2 mô hình giống lúa thuần chất lượng cao J02 và QR15 tại xã Phú Hòa, Phú Lương để làm cơ sở nhân ra diện rộng.
Để giúp người nông dân có vốn đầu tư sản xuất, HND huyện chủ động tham mưu, đề nghị UBND huyện cấp bổ sung kinh phí hàng năm cho Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện; thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn Quỹ do Trung ương Hội và HND tỉnh ủy thác với tổng số vốn đạt hơn 9 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác giúp hơn 3.110 hộ hội viên vay vốn, tổng dư nợ đạt 112,5 tỷ đồng.
HND các địa phương thường xuyên vận động hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tích cực ủng hộ, giúp đỡ hội viên, nông dân nghèo bằng cách hỗ trợ cây, con giống, giúp đỡ vay vốn hay chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi… để cùng nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nửa nhiệm kỳ qua, toàn huyện có hơn 26.100 lượt hộ đạt danh hiệu “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp (chiếm 79% số hộ đăng ký). Trong đó, nhiều hộ tạo việc làm cho hàng chục lao động và giúp đỡ được nhiều gia đình thoát nghèo.
Đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ nông sản của nông dân trong vụ thu hoạch. HND Lương Tài chủ động liên hệ, kết nối với các đầu mối thu mua nông sản hỗ trợ nông dân tiêu thụ hoa màu. Phát động cán bộ Hội các cấp trực tiếp xuống đồng, tham gia thu hoạch cùng nông dân. Thông qua HND huyện có gần 340 tấn nông sản trong vùng dịch được tiêu thụ sang thị trường Hà Nội, Hải Dương…