Di tích lịch sử phường Võ Cường

14/06/2019 02:09 Số lượt xem: 2872

Lễ hội trên địa bàn phường Võ Cường

Võ Cường Có 5 Lễ Hội truyền thống được tổ chức vào tháng giêng âm lịch hàng năm, mục đích của các lễ hội này là: Gắn kết cộng đồng, nhân dân ở mỗi khu phố sống đoàn kết lại, cầu mong đức Thành Hoàng Làng che trở, phù hộ độ trì cho nhân dân được một mùa màng tốt tươi, gặp nhiều may mắn, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an, khởi đầu cho một năm mới thịnh vượng đến với mỗi khu….hơn hết là cầu cho quê hương đất nước luôn thanh bình phát triển….

Theo các nghiên cứu văn hoá, trên vùng đất Bắc Ninh - Bắc Giang xưa có 49 làng quan họ gốc, thì ở Võ Cường cả năm làng là  nay là các khu Hoà Đình, Bồ Sơn, Khả Lễ, Xuân ổ A, Xuân ổ B đều là làng quan họ gốc. Các hoạt động quan họ được duy trì và phát triển mạnh mẽ, hàng năm tham gia các cuộc thi do thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tổ chức đều giành các giải cao, không kém bất kì làng quan họ nào trong tỉnh. Đặc biệt các liền anh, liền chị làng Hoà Đình, là những người khởi xướng đầu tiên việc hát quan họ qua điện thoại cho những người yêu mến quan họ, như anh hai Quyến, chị Hồng... Võ Cường là một vùng quê có lễ hội truyền thống rất phong phú và hấp dẫn. Hội Xuân ổ (Hội Ó) mở ngày 5 tháng Giêng. Hội Khả Lễ (Hội Sẻ) mở ngày 6 tháng Giêng. Hội Hoà Đình (Hội Nhồi) mở ngày 7 tháng Giêng, Hội Bồ Sơn (Hội Bò) mở ngày 9 tháng Giêng. Hai làng Xuân ổ A, B thờ đức thánh Thiên Cang giúp Vua Hùng đánh giặc Ân. Bà Quý Minh, Tiền lộ tướng quân giúp nhà Trần phá giặc Nguyên Mông. Làng Hoà Đình thờ tướng quân Lê Phụng Hiểu, từng lập nhiều chiến công giúp nhà Lý. Làng Bồ Sơn thờ 3 vị Thành hoàng là: Quý Minh, Đình Đấng và Mỵ Nương từng giúp Vua Hùng đánh giặc Ân. Làng Khả Lễ thờ 3 vị Thành Hoàng làng là ông Nghiêm, ông Ích, ông Quảng có công đánh giặc thời Trần.

 Nhân dân Phường Võ Cường giữ gìn nét văn hóa qua các lễ hội truyền thống hàng năm……

 Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, cùng với vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh người dân Võ cường luôn tự hào, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của quê hương. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - UB MTTQ phường,  cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phường đã chủ động, tích cực khơi dậy các truyền thống quý báu của địa phương, khai thác hiệu quả, tiềm năng và thế mạnh của quê hương để không ngừng đổi mới và phát triển.

Những truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng quý báu của ông cha đã được duy trì, giữ vững và ngày càng phát triển, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Khơi dậy và phát huy các truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước và cách mạng của phường, là nhiệm vụ quan trọng,  nhằm làm cho các giá trị truyền thống của phường gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của phường.

Từ đó làm chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của địa phương, của dân tộc. Bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn. 

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đều nhấn mạnh, “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.” Đồng thời, “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”. Vì thế mà việc xây dựng Đề án “Tiếp tục khơi dậy, giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của nhân dân Võ Cường” là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của phường trên con đường cùng toàn Thành phố Bắc Ninh trong sự nghiệp CNH - HĐH hôm nay.

Bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước, cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được nâng lên, góp phần hun đắp tình yêu quê hương, đất nước, làm nhân lên niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ XHCN. Những truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng quý báu của ông cha đã và đang được duy trì, giữ vững và ngày càng phát triển, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng và hình thành nếp sống văn hoá, nhân cách tốt đẹp, thực sự là động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Di tích trên địa bàn phường Võ Cường

Hiện nay trên địa bàn phường Võ Cường có hàng trục Di tích lịch sử văn hóa trong đó hiện có 5 ngôi đình, 5 ngôi chùa, 02 ngôi đền, 04 ngôi miếu, 01 ngôi nghè, 11 điếm thờ ở các ngõ xóm, tập chung chủ yếu tại Xuân Ổ A, Xuân Ổ B….ngoài ra còn có một số từ đường của một số dòng họ trên địa bàn...). Trong số các di tích trên, có 02 di tích lịch sử cấp quốc gia, một là đền bà quý Minh, 1 là di chỉ khảo cổ học chùa lái Thuộc Xuân Ổ B, 2 là Cụm di tích Đình, Đền, Chùa Xuân Ổ, thuộc khu Xuân Ổ A và 06 di tích cấp lịch sử văn hóa cấp tỉnh….

Các di tích đều chứa đựng các giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương Võ Cường.

1. Di tích khảo cổ chùa Lái: Di tích khảo cổ chùa Lái do trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc phát hiện khai quật vào những năm 1974 – 1976.

Di tích này thuộc khu vực chùa Lái, hiện vật thu được ở đây chủ yếu là đồ gốm, đồ đá có niên đại cách nay khoảng 3000 năm. Kết quả khai quật đã minh chứng Xuân Ổ là một trong những điểm tụ cư của người Việt cổ.

Chùa có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm: Tiền đường 5 gian; Thượng điện 5 gian. Hiện nay trong chùa còn giữ được một số pho tượng gỗ cổ và một bia đá dựng khắc năm 1841.

2. Chùa Nương Xá: Chùa Nương Xá thuộc làng Xuân Ổ B (phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh).

Chùa được dựng năm 1917 theo kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian Tiền đường và 3 gian Thượng điện có trạm khắc hình hoa lá công phu, nghệ thuật. Chùa hiện nay còn bảo lưu một số pho tượng gỗ cổ và một bia đá.T.M

3. Đền Thượng Xuân Ổ A: (Đền bà Quý Minh): Đền Thượng nằm tại phía đông nam của làng Xuân Ổ A, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Đền được dựng vào thời Trần ngay trên phần mộ của bà Qúy Minh, người có công đánh giặc Nguyên – Mông.

Trải qua các thời kỳ lịch sử đền đã được tu sửa nhiều lần. Đền có kiến trúc kiểu chữ nhị gồm Tiền tế và Hậu cung. Hiện tại trong đền vẫn còn lưu giữ được 8 đạo sắc phong của các triều vua phong tặng bà Qúy Minh.

4. Nghè tả Xuân Ổ A: Thôn Xuân Ổ A, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh có 2 Nghè, Nghè thứ nhất nằm ở phía tây của làng, ngay cạnh quốc lộ 1A.

Theo thần phả, sắc phong, nghè thờ Tiền lộ tướng công người có công đánh giặc và âm phù cho dân làng.

Nghè thứ 2 thờ Thánh Thiên Cang là người đã có công đánh giặc vào thời Hùng Vương. Công trình được khởi dựng từ lâu đời, nhưng qua các thời kỳ lịch sử đã bị phá. Hiện tại, ở đây còn giữ được 7 đạo sắc phong vào các năm: 1846, 1850, 1880, 1887, 1909, 1924 và 1925.

5. Đền Hòa Đình: Đền Hòa Đình nằm ở phía tây làng Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Đền được xây dựng từ thời Lý với kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm tòa Tiền tế 5 gian, bộ khung gỗ lim vì kèo kiểu giá chiêng, Hậu cung 3 gian kết cấu đơn giản. Đền giữ được những cổ vật vô giá như tấm bia đá “Thần phả” ghi khắc rõ về lịch sử ngôi đền, thành tích, công trạng của người được thờ và nhiều thông tin khác về lịch sử, văn hóa của thời Lý. Ngoài ra, đền còn giữ được những đồ thờ tự niên đại từ thời Lê – Nguyễn như: Kiệu thờ, hậu bành, hoành phi, câu đối. 

6. Chùa làng Hòa Đình: Chùa nằm ở phía Tây của làng Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Trong kháng chiến chống Pháp, chùa đã bị phá hủy, đến năm 1995, nhân dân địa phương đã dựng lại chùa trên nền đất cũ với kiến trúc nhà Tam bảo 5 gian, bộ khung gỗ theo kiểu thức truyền thống; xung quanh chùa còn dựng thêm nhà thờ Tổ, nhà Mẫu, Tam quan. Ở đây còn giữ được những cổ vật quý giá như: những pho tượng cổ và 3 tấm bia hậu dựng khắc vào các năm:

7. Đình làng Bồ Sơn: Đình Bồ Sơn thuộc làng Bồ Sơn, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Đình vốn có từ lâu đời, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đình đã bị phá hủy hoàn toàn. Đến năm 2000, đình được nhân dân xây dựng lại. Đình có cấu trúc phần mái bằng gỗ tứ thiết, phần chịu lực bằng bê tông giả gỗ. Trong đình vẫn còn lưu giữ được một số cổ vật như: đồ thờ tự, thần phả… Đình thờ 3 vị thần là: Qúy Minh, Đông Bính và Vy Vương.

8. Chùa làng Bồ Sơn(Chùa Đại Giác Tự): Chùa Bồ Sơn Sơn thuộc làng Bồ Sơn, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Chùa được khởi dựng từ lâu đời, đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp chùa bị phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1996, chùa được nhân dân trong làng dựng lại…

Lịch sử Chùa Đại Giác tự (Bồ Sơn Võ Cường, Tp.Bắc Ninh):

Chùa Đại Giác tự được xây dựng trên núi Bồ Sơn (Nay thuộc khu Bồ Sơn phường Võ Cường Tp.Bắc Ninh) trước đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng là có cảnh quan đẹp. Trong thời kỳ Hòa thượng Phúc Điền trụ trì ở đây, ngài đã tổ chức san khắc ván in kinh sách của Phật giáo và một số sách khác. Những kinh sách mà Hòa thượng Phúc Điền tổ chức san khắc tại chùa Bồ Sơn là:

- Dược sư kinh

- Diệu pháp liên hoa kinh

- Thiền uyển kế đăng lục (gồm quyển tả và quyển hữu). Bộ ván khắc này có kích thước 36 x 25 cm, các con chữ trong bộ ván khắc tương đương với cỡ chữ 28 font Chu Hán Khải của bộ gõ chữ Hán hiện nay. Trong bộ ván khắc này, có nhiều ván khắc tranh các vị Hòa thượng được đề cập trong đó ở tư thế khác nhau với nét khắc rất sống động.

Tiếp tục truyền thống san khắc mộc bản của thầy nghiệp sư là Hòa thượng Phúc Điền, thiền sư An Thiền sau đó tổ chức san khắc bộ Đạo giáo nguyên lưu (Khắc năm Thiệu trị thứ 5 - 1845) gồm 332 tấm ván khắc. Hiện nay, tất cả các bộ mộc bản rất quí giá này ở chùa Đại Giác đều không còn.

9. Đền Khả Lễ:  Đền Khả Lễ nằm ở đầu làng Khả Lễ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy hoàn toàn, đến năm 1945 địa phương đã xây dựng lại chùa với 3 gian Tiền đường, Hậu cung. Đền thờ 3 vị thần là Chánh Đạo, Nghiêm Trị, Quảng Pháp.

10. Chùa làng Khả Lễ: Chùa làng Khả Lễ nằm trên núi Sẻ, làng Khả Lễ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Chùa được dựng từ lâu đời, đến năm 1912 chùa được tu bổ và dựng lại tòa Tiền đường.

Chùa có kiến trúc kiểu chữ Nhị gồm: Tiền đường 5 gian với bộ khung gỗ lim to khỏe vững chắc và bề thế. Hiện nay, chùa còn bảo giữ được một số pho tượng thời Lê - Nguyễn, tiêu biểu là pho ADI Đà và một số tượng tổ.

DANH MỤC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA

TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG VÕ CƯỜNG

STT

Tên di tích

Loại hình

Địa điểm

Xếp hạng

01

Chùa làng Xuân Ổ A

(Hồng Phúc tự)

Kiến trúc – Nghệ Thuật

Khu Xuân Ổ A, phường Võ Cường

Xếp hạng cấp Quốc gia

Số: 100-QĐ/BT

Ngày: 21/01/1989

02

Đình làng Xuân Ổ A

Kiến trúc – Nghệ Thuật

Khu Xuân Ổ A, phường Võ Cường

Xếp hạng cấp Quốc gia

Số: 100-QĐ/BT

Ngày: 21/01/1989

03

Đền làng Xuân Ổ A

Kiến trúc – Nghệ Thuật

Khu Xuân Ổ A, phường Võ Cường

Xếp hạng cấp Quốc gia

Số: 100-QĐ/BT

Ngày: 21/01/1989

04

Di tích khảo cổ học chùa Lái

Khảo cổ học

Khu Xuân Ổ B, phường Võ Cường

Xếp hạng cấp Quốc gia

Số: 100-QĐ/BT

Ngày: 21/01/1989

 

 DANH MỤC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ CẤP TỈNH

TRÊN ĐỊA BÀN PHƯỜNG VÕ CƯỜNG

STT

Tên Di Tích

Loại hình

Địa điểm

Xếp hạng

01

Chùa Xuân Ổ B (Nương Xá tự)

Lịch sử - Văn hóa

Khu Xuân Ổ B, phường Võ Cường,

Xếp hạng cấp tỉnh

Số: 161/QĐ-CT

Ngày: 08/02/2002

02

Đình Xuân Ổ B

Lịch sử - Văn hóa

Khu Xuân Ổ B, phường Võ Cường,

Xếp hạng cấp tỉnh

Số: 161/QĐ-CT

Ngày: 08/02/2002

03

Đình làng Hòa Đình

 

Lịch sử - Văn hóa

Khu Hòa Đình, phường Võ Cường,

Xếp hạng cấp tỉnh

Số: 56/QĐ-UBND

Ngày: 18/01/2011

04

Đình làng Bồ Sơn

Lịch sử - Văn hóa

Khu Bồ Sơn, phường Võ Cường,

Xếp hạng cấp tỉnh

Số: Ngày: 2007

05

Đình làng Khả Lễ

 

Lịch sử - Văn hóa

Khu Khả Lễ, phường Võ Cường,

Xếp hạng cấp tỉnh

Số: 1489/QĐ-UBND

Ngày: 05/10/2009

06

Đền làng Hòa Đình

Lịch sử - Văn hóa

Khu Hòa Đình, phường Võ Cường,

Xếp hạng cấp tỉnh

Số: 161/QĐ-CT

Ngày: 08/02/2002

Nguồn: UBND phường Võ Cường