“Nhức nhối” tội phạm tham nhũng, chức vụ tăng
Đại biểu Quốc hội thấy “rất đau” khi người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý Nhà nước đã lợi dụng triệt để “lỗ hổng” pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi.
Trước thực trạng tội phạm tham nhũng và chức vụ tăng, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói “đây là vấn đề rất nhức nhối”. Ảnh: Đ.X
Ngày 6/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng năm 2023.
Cán bộ lợi dụng triệt để “lỗ hổng" pháp luật để trục lợi
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn.
Nổi bật là, các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh, thường xuyên được rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế; kiên quyết làm rõ, quy trách nhiệm chính trị của người đứng đầu để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách.
Theo báo cáo, có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Trong đó, có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử được đẩy mạnh, phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vi phạm.
Tán thành với các nhận định trên của Chính phủ, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nêu, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực còn diễn ra ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Minh chứng là có nhiều cán bộ, công chức, lãnh đạo, quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự do liên quan đến các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt nam, Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC, vụ án chuyến bay giải cứu…
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp khi nêu ý kiến với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật thông tin, “tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% số vụ; tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5%”.
Trước số liệu này, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) nói “nhức nhối quá” và bày tỏ, “nhóm nghiên cứu nói một câu tôi thấy rất đau, đó là người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý Nhà nước đã lợi dụng triệt để lỗ hổng pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi”.
“Khi niềm tin sụp đổ, vạn lời nói đều vô nghĩa”
Đề cập đến vụ án Việt Á, vụ chuyến bay giải cứu, đại biểu đoàn Nam Định thấy “kinh khủng quá”. “Quà cảm ơn gì mà nhiều thế, gợi ý đến 2-3 lần để lấy về hàng triệu USD. Trời ơi, không thể chịu đựng nổi”, ông Kim nhấn mạnh, bài học cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý là khi niềm tin sụp đổ thì vạn lời nói đều vô nghĩa.
“Chúng ta phải thấm thía điều đó để quản trị đất nước, nếu không thì gay”, vẫn theo lời đại biểu Vũ Trọng Kim.
Trước thực trạng tội phạm tham nhũng và chức vụ tăng, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói “đây là vấn đề rất nhức nhối”.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10, thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng năm 2023 . Ảnh: Đ.X |
Ông Mai nêu câu hỏi: Vì sao những năm qua, Đảng, Nhà nước đưa ra nhiều quyết sách và xử lý rất mạnh mẽ tội phạm tham nhũng trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” nhưng tội phạm tham nhũng vẫn tăng?
“Tội phạm tham nhũng không sợ, nhờn pháp luật? Hay các chế tài, hình phạt của chúng ta chưa đủ mạnh?”- nêu nguyên nhân này, ông Mai đề nghị phải nghiên cứu sửa luật liên quan, tăng mức hình phạt với tội phạm tham nhũng.
“Chúng ta quyết liệt rồi nhưng tội phạm vẫn tăng thì chúng ta phải xem lại thể chế của chúng ta”, đại biểu đoàn Đắk Nông nhấn mạnh.
Theo nhận định của Chính phủ, tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài.
“Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh”, báo cáo nêu.
Qua thực tiễn phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chính phủ rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, có bài học kinh nghiệm, thực hiện đồng bộ giữa xử lý kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước và xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng thực hiện trước, tạo tiền đề để kỷ luật hành chính và xử lý hình sự. “Điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt trong trường hợp đối tượng bỏ trốn, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước, là hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa có hiệu quả”. |
Từ vụ chuyến bay giải cứu, AIC, làm rõ điều kiện phát sinh tham nhũng
Nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra thời gian tới, trong đó nhấn mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Chính phủ cũng nhấn mạnh sẽ rà soát, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị xảy ra tình trạng này…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho hay, nhóm nghiên cứu cũng nhận định, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp.
“Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ Nhà nước với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu...”, ông Cường nêu.
Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp như vụ chuyến bay giải cứu, vụ AIC... nhóm nghiên cứu đề nghị đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, để chấn chỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự thời gian tới.
“Đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế, nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng, trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng chống có hiệu quả”, theo lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.
Sau phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến các báo cáo của Chính phủ, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp 6 vào tháng 10 năm nay.
Toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.437 cuộc thanh tra hành chính và 159.452 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 212.538 tỷ đồng, 940ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.760 tập thể và 6.422 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 336 vụ, 412 đối tượng. Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 450 cá nhân; kiến nghị xử lý 367 người; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 30 vụ, 20 đối tượng. Các cơ quan điều tra trong công an nhân dân đã thụ lý điều tra 967 vụ án, 2.552 bị can phạm tội về tham nhũng; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án, 997 bị can. Viện kiểm sát các cấp thụ lý thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 1225 vụ, 3357 bị can. TAND các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 614 vụ, 1.467 bị cáo; đã giải quyết 476 vụ, 1.115 bị cáo; trong đó xét xử 384 vụ, 849 bị cáo về các tội tham nhũng. Về việc thu hồi tài sản tham nhũng, cơ quan thi hành án đã thi hành xong 1.703 việc, với số tiền hơn 19.818 tỷ đồng. |