Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý
Đó là một trong những giải pháp được TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra - Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ “Ứng dụng công nghiệp 4.0 trong phòng, chống tham nhũng (PCTN)” đưa ra tại hội thảo lần 3 với chủ đề “Giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 trong PCTN” vào sáng ngày 8/9.
TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra đề xuất xây dựng CSDLQG về PCTN do TTCP quản lý. Ảnh: TH
Tại Chương 3 của đề tài “Ứng dụng công nghiệp 4.0 trong PCTN”, Ban Chủ nhiệm đề xuất việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về PCTN do Thanh tra Chính phủ (TTCP) quản lý chung. Thể hiện ở việc xây dựng CSDLQG về phổ biến, giáo dục PCTN, về giám sát PCTN, về công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột, kiểm kê, kiểm soát tài sản thu nhập, về phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng do TTCP quản lý chung và đưa lên các kho ứng dụng Android, Ios, hệ điều hành Windows… phục vụ cho các cơ quan quản lý và người sử dụng.
Đồng thời, cập nhật thường xuyên lên CSDL về pháp luật PCTN và các pháp luật liên quan như Luật PCTN, các quy định của Đảng về công tác PCTN… Tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo phương pháp trực tuyến qua mạng; sử dụng các ứng dụng chuyên dụng để tuyên truyền, phố biến, giáo dục như: Zoom cloud meetings, Skype, Microsoft teams, google met, zalo…
Việc tuyên truyền, phổ biến PCTN trong các trường học có thể tải các tài liệu đã được tích hợp sẵn trên CSDL về phổ biến, giáo dục PCTN. Qua đó, các trường có thể hướng dẫn cho học sinh, sinh viên, học viên tự học trực tuyến trên CSDL về phổ biến, giáo dục PCTN.
Đối với các cơ quan Nhà nước, có thể hướng dẫn chỉ đạo cho cán bộ, công chức, viên chức tự học trực tuyến trên CSDL về phổ biến giáo dục PCTN.
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ 4.0 còn được đề xuất trong việc giám sát nhằm PCTN. Việc xây dựng CSDLQG về giám sát PCTN phải được liên thông với các CSDLQG về ngân hàng, về kiểm soát tài sản thu nhập, về tài nguyên môi trường, về dân cư, về khiếu nại, tố cáo…
Xây dựng các biểu mẫu để cập nhật dữ liệu ban đầu lên CSDLQG về giám sát pháp luật và các văn bản liên quan. Kết quả giám sát được tự động công khai trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về PCTN theo các mức độ tham nhũng khác nhau, hệ thống CSDL sẽ tự động công khai về đối tượng bị công khai, về hành vi tham nhũng, mức độ vi phạm.
Ngoài ra, hệ thống CSDLQG về giám sát PCTN có thể cập nhật mở rộng chủ thể, đối tượng, phạm vi, nội dung giám sát.
Mặt khác, ứng dụng công nghệ 4.0 có thể trong việc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình. Ngoài việc xây dựng CSDLQG tích hợp trên cổng thông tin điện tử công khai PCTN do TTCP quản lý chung, thì cần phải tích hợp các CSDLQG liên quan đến PCTN như tích hợp CSDL ngân hàng để công khai tiền gửi, tích hợp CSDL về kiểm soát tài sản thu nhập để công khai tài sản thu nhập và tài sản biến động, tích hợp CSDL về tài nguyên môi trường để công khai đất đai, nhà ở…
TS Cung Phi Hùng cũng cho rằng, giám sát thông qua CSDLQG về công khai, minh bạch, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình được quản lý phần dữ liệu quy định theo chức năng, nhiệm vụ; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn quản lý thực hiện cập nhập dữ liệu công khai, minh bạch lên CSDL.
Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm đề tài đưa ra các giải pháp ứng dụng 4.0 trong kiểm soát xung đột lợi ích, trong cải cách hành chính, trong kê khai, kiểm soát tài sản thu nhập nhằm PCTN.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH |
Đề cập đến giải pháp ứng dụng 4.0 trong thanh toán không dùng tiền mặt nhằm PCTN, Ban Chủ nhiệm nhấn mạnh hầu hết các ngân hàng đều đang ứng dụng công nghệ 4.0 trong thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ 4.0 đạt 100% về việc này, cần có những giải pháp linh hoạt và phù hợp trong tình hình cơ sở hạ tầng của Việt Nam hiện nay và sự phát triển mạnh mạnh công nghệ 4.0 như cần có giải pháp hạn chế rủi ro về thông tin phải bảo mật, an toàn, dữ liệu; cần có quy định về giới hạn số tài khoản khách hàng có thể nắm giữ hạn mức mỗi lần giao dịch hay mỗi tháng giao dịch, số dư tối đa trên tài khoản…
Ngoài ra, ứng dụng công nghệ 4.0 cũng để toàn xã hội tham gia phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Theo đó, phân cấp quản lý CSDLQG về phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng, TTCP quản lý chung và phân quyền cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng; người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng có trách nhiệm quản lý phần dữ liệu do cơ quan mình giải quyết. Cập nhập thường xuyên quá trình tiếp nhận, giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết.
“Toàn xã hội có thể tham gia phản ánh, kiến nghị, tố cáo hành vi trực tuyến mọi lúc, mọi nơi, miễn là có điện thoại thông minh hoặc kết nối internet; các cơ quan có thẩm quyền giải quyết có thể tiếp nhận, giải quyết trực tiếp mọi lúc, mọi nơi theo quy định của pháp luật. Người dân cũng có thể cung cấp thông tin trực tuyến về hành vi tham nhũng về kê khai tài sản không trung thực, tài sản biến động tăng khủng cho các cơ quan PCTN, các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập nhanh chóng, kịp thời”, TS Cung Phi Hùng cho hay.
Đặc biệt, giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp người dân phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng trực tuyến tránh được trù dập, trả thù. Đây là giải pháp PCTN hiệu quả nhất, giải quyết hiệu quả các nguyên nhân khiến người dân ngại tố cáo hành vi tham nhũng.
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định các giải pháp đưa ra đều cụ thể, có tính khả thi. Đề tài đã đưa ra được 2 giải pháp cơ bản là: hoàn thiện pháp luật về mặt nội dung và giải pháp về ứng dụng công nghệ 4.0, các giải pháp đưa ra đều có tính ứng dụng.
Góp ý chung cho toàn bộ đề tài, các đại biểu cho rằng, Ban Chủ nhiệm cần gói gọn lại vì đề tài chưa xác định được đối tượng nghiên cứu, Chương I chưa phù hợp, chưa trọng tâm, chỉ nên đi vào vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin: khái niệm, nội dung ứng dụng, hiệu quả, ý nghĩa và sự cần thiết việc ứng dụng công nghệ 4.0.
Trong phần đánh giá thực trạng, hiện tại các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện việc chuyển đổi số, nhất là các địa phương, họ thực hiện rất mạnh. Vì vậy, cần đánh giá lại thực trạng ứng dụng công nghệ 4.0 tại nhiều đơn vị, địa phương, bộ, ngành trong việc PCTN, từ đó đưa các giải pháp phù hợp sát với thực tế trong giai đoạn hiện nay.