Kinh tế tăng trưởng, chống tham nhũng “hiệu quả, nghiêm minh hơn”

07/10/2023 10:57 Số lượt xem: 51

Trong bối cảnh “khó khăn chồng chất khó khăn”, đất nước ta vẫn vững vàng vượt khó đi lên, kinh tế phục hồi và phát triển, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh “bài bản, hiệu quả, xử lý nghiêm minh hơn”.

Article thumbnail

Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ đã đề ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Ảnh: N.Bắc

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ với PV Báo Thanh tra về những dấu ấn trong nửa nhiệm kỳ qua.

Kỷ luật nhiều không có nghĩa cán bộ tham nhũng ngày càng nhiều

Cái khó của nửa đầu nhiệm kỳ là Việt Nam vừa phải tập trung giải quyết những thách thức mới, gay gắt, nặng nề hơn so với dự báo như đại dịch COVID-19, thiên tai, lũ lụt… vừa phải xử lý các yếu kém, tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước để lại.

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Việt Nam vẫn vững vàng vượt khó đi lên, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. “Đây là bản lĩnh của Đảng ta, cũng là truyền thống của dân tộc ta”, ông Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.

Trong các kết quả nổi bật, đầu tiên phải kể đến kinh tế khi Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế”. Ông Thông thấy ấn tượng khi kinh tế tăng trưởng; hơn 1.700 km đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng.

“Dự kiến đến năm 2025, chúng ta đưa vào sử dụng hơn 3.000 km đường cao tốc, đến 2030 là 5.000 km. Điều đó hoàn toàn khả thi”, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định.

Chưa kể, TP HCM đang xây dựng vành đai 3, Hà Nội - Bắc Ninh - Hưng Yên xây dựng đường vành đai 4. Và mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công đồng loạt 3 gói thầu tại Sân bay Long Thành và Sân bay Tân Sơn Nhất, trị giá hơn 53.000 tỷ đồng.

Đi cùng với phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và đồng bộ, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng “ngày càng bài bản, hiệu quả, xử lý nghiêm minh hơn”.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được bổ sung, mở rộng chức năng, nhiệm vụ, bao gồm cả chỉ đạo phòng chống tham nhũng và phòng chống “tiêu cực”. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây từng bước được khắc phục, sau khi 63 tỉnh, TP thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông dẫn chứng, nếu toàn khóa XII, có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thì trong nửa nhiệm kỳ khóa XIII đã xử lý kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý.

“Chúng ta xử lý nghiêm, xử lý nhiều, không có nghĩa số cán bộ tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhiều, mà điều đó càng khẳng định quan điểm xử lý tham nhũng nghiêm minh, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai, cả cán bộ đương chức, cả cán bộ đã nghỉ hưu”, ông Thông phân tích.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông còn thấy ấn tượng với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Trong hoạt động đối ngoại, nổi bật là thành công của các chuyến thăm, các cuộc điện đàm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Điển hình nhất là chuyến thăm Trung Quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu. Nguyên thủ nhiều nước cũng đến thăm Việt Nam như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và tới đây là Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến Việt Nam.

Lấy phiếu tín nhiệm thực chất, chuẩn bị tốt đại hội nhiệm kỳ mới

Nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cũng lưu ý, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Trong đó, phải kể đến giải ngân vốn đầu tư công chậm; cơ chế chính sách chưa đổi mới mạnh chẽ, còn những quy định “trói tay, trói chân”, chưa cụ thể.

 PGS.TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Ảnh; H.G

Đáng lưu ý, là tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm, không dám làm như có đại biểu Quốc hội nói có cán bộ bảo rằng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”.

Vì vậy, theo ông Thông, đạt mục tiêu GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5% là nhiệm vụ “cực khó”. Bởi, tăng trưởng năm 2021 là 2,56%, năm 2022 là 8,02%, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra từ đầu nhiệm kỳ thì năm nay (2023) và 2 năm còn lại tăng trưởng phải đạt 7,3% - đây là mức rất cao.

“Các mục tiêu Đại hội XIII đặt ra, theo tôi đến giờ vẫn đúng, chúng ta không vội đặt vấn đề hạ chỉ tiêu. Việt Nam có cơ sở để kỳ vọng sẽ bứt phá trong thời gian tới”, ông Thông bày tỏ.

Nói về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho biết, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ đã đề ra nhiều phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, quan trọng nhất là bằng mọi cách phải ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

“Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã nêu, mấy năm vừa rồi, doanh nghiệp dệt may rất khó khăn ký đơn hàng với nước ngoài. Trong khi, Bangladesh lại thừa đơn hàng dệt may. Tại sao? Tại vì thủ tục của chúng ta vẫn nhiêu khê làm nản lòng các nhà đầu tư”, theo lời ông Thông.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông cũng nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, theo tinh thần “4 hơn nữa” - tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa” và “3 không” - không đùn đẩy, không né tránh, không đổ lỗi cho khách quan.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải tiếp tục đẩy mạnh. Đặc biệt, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương lưu ý, phải làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới.

Ông nói, chúng ta đã lấy phiếu tín nhiệm với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tới đây phải thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, trong đó có lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

“Lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất. Thông tin, tư liệu phải cung cấp đầy đủ, không để bất cứ ai tác động vào quá trình lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm thực sự khách quan, là cơ sở, khoa học để đánh giá cán bộ”, ông Thông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Viết Thông cho hay, Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10 năm nay, Trung ương sẽ thảo luận và thành lập các tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng, trong đó có tiểu ban văn kiện và tiểu ban nhân sự.

Luật còn chồng chéo thì cán bộ không dám làm

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, các cơ quan chức năng đã khởi tố, xét xử nhiều đại án tham nhũng, tiêu cực, trong đó có vụ chuyến bay giải cứu và tới đây sẽ xét xử vụ Việt Á.

Vậy tại sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mà vẫn có những vụ trấn động như vậy? PGS.TS Nguyễn Viết Thông lý giải, tham nhũng là mặt trái của quyền lực, còn quyền lực là còn tham nhũng. Cán bộ có chức, có quyền, không giữ được bản chất cách mạng sẽ lợi dụng tình hình để tham nhũng. Thêm nữa, công tác cán bộ còn kẽ hở, để lọt những người có máu tham chui vào bộ máy Nhà nước.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ; thực hiện tốt Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ của Bộ Chính trị.

Ông Thông nhấn mạnh thêm rằng, phải sớm ban hành quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đi cùng với đó, xây dựng hoàn thiện thể chế như sửa Luật Đất đai, sửa Luật Nhà ở... phải làm tốt hơn.

“Tự do nhất là hành động theo pháp luật. Khi luật chưa hoàn chỉnh, còn quy định luật này “đá” luật kia thì cán bộ không dám làm, chứ không phải do đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, theo ông Thông.

Với cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì “đứng sang một bên để người khác làm” như Tổng Bí thư đã nhiều lần nói, nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.