Chặng đường ngắn, bước tiến dài!
Kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua khẳng định phương châm, cuộc chiến này: “không bao giờ chùng xuống”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai”, "xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, xử lý một người để cứu muôn người".
Quang cảnh Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5/2023.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương về phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan báo chí, đài truyền hình, các doanh nghiệp và Nhân dân tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong Văn kiện: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân”; “Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, Nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Bên cạnh đó, có nhiều điểm mới về vấn đề động viên, khuyến khích, khen thưởng những tổ chức, cá nhân dám tố cáo hành vi tham nhũng, cơ chế bảo vệ những người tố cáo hành vi tham nhũng tránh sự trả thù hoặc trù dập, đồng thời chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát để phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Văn kiện nêu rõ: “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển”…
Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018… đã đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phòng, chống tham nhũng và góp phần rất to lớn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta.
Do đó, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả nổi bật, trở thành xu thế không thể đảo ngược. Theo báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 5/2022, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc.
Tính riêng từ tháng 1 đến tháng 5/2023, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức đảng, hơn 3.600 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp Giám đốc Sở và tương đương trở lên, trong đó có 1 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND cấp tỉnh, 2 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ, 2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án, 864 bị can về tội tham nhũng (tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Đáng chú ý, việc các cơ quan chức năng đã chủ động phát hiện, quyết liệt đấu tranh, mở rộng điều tra, khởi tố mới nhiều bị can trong nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, có tính hệ thống, có tổ chức, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đã tạo được niềm tin trong Nhân dân đối với công tác này. Điển hình như vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm Đăng kiểm một số địa phương; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số đơn vị liên quan; vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan; các vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; các vụ án, vụ việc liên quan đến Công ty AIC và các đơn vị liên quan….
Từ những vụ án này, nhiều bị cáo nguyên là cán bộ cấp cao đã phải đứng trước tòa vì suy thoái về đạo đức, lối sống, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội. Công lý được thực thi, việc khắc phục hậu quả cũng được thu hồi một cách quyết liệt.
Đặc biệt, một trong những dấu mốc quan trọng trong việc đưa nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống đó là việc trong năm 2022, 63 Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập và đi vào hoạt động ở tất cả các tỉnh, thành phố.
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao, nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Theo đó, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021.
Nhiều địa phương như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hòa Bình, Cao Bằng… đã khởi tố cả cán bộ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở, Chủ tịch UBND cấp quận, huyện…
Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, công cuộc “chống giặc nội xâm” đã có nhiều bước tiến vượt bậc. Từ các vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, chúng ta càng nhận thức sâu sắc và đầy đủ về tham nhũng, tiêu cực với đầy đủ mức độ tinh vi, phức tạp và tác hại nghiêm trọng.
Bước tiến vượt bậc đó còn thể hiện ở việc đi sâu, làm rõ bản chất của tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết xử lý nghiêm minh, đến nơi đến chốn các hành vi vi phạm, dù đối tượng có bỏ trốn ra nước ngoài vẫn xét xử vắng mặt theo đúng quy định của pháp luật...
Bước tiến khác trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn thể hiện ở cách làm ngày càng bài bản, lớp lang hơn, chắc chắn hơn và thuyết phục hơn của các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; theo nguyên tắc kỷ luật Đảng đi trước, kỷ luật hành chính, rồi mới xử lý hình sự...
Có thể nói, thời gian nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII là một chặng đường ngắn so với hành trình dài trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiều năm qua nhưng kết quả của nó thật sự là một “bước tiến dài”. Và không phải bàn cãi gì thêm nữa, chính thành quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng là nền móng vững chắc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng; đồng thời là nền tảng cho cuộc chiến chống “giặc nội xâm” trong tương lai đi đến thắng lợi to lớn hơn. Kết quả này được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, tạo tiền đề quan trọng để đất nước ta tiếp tục phát triển theo các mục tiêu đã được xác định tại Đại hội XIII của Đảng.
Tuy nhiên, hiện nay, trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân có quan điểm cho rằng, “nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm “nhụt chí”, “chùn bước” những người dám nghĩ, dám làm, làm “chậm” sự phát triển của đất nước”. Đây thật sự là biểu hiện của nhận thức nông cạn, thiếu suy nghĩ chín chắn, thậm chí là cực đoan. Bởi lẽ, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng khẳng định: “Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không làm “nản lòng”, “chùn bước”, sợ sai của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy… Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được”, “Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Thực tế đã chứng minh, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã thực sự trở thành cao trào cách mạng với những bước tiến dài vững chắc, tạo nền tảng cho toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn dân tiến lên từng bước quét sạch “giặc nội xâm”. Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ là một “cao trào”, càng không thể “chững lại”. Bởi đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh lâu dài, đầy chông gai, khắc nghiệt, cắt bỏ những “ung nhọt” trong nội bộ mình, rất đau xót nhưng vẫn phải tiếp tục làm, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ và phải làm rất bài bản, chắc chắn, vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì ý nguyện và hạnh phúc của Nhân dân”.
Vì vậy, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương hồi tháng 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng cần phát huy kết quả đạt được, thực hiện “4 hơn” và “3 không”. Trong đó, “4 hơn” là: Làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và hiệu quả hơn nữa; “3 không” là: Không đùn đẩy, không né tránh và không đổ lỗi khách quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, vừa đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng vừa tăng cường công tác phòng chống tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý từ sớm, từ xa./.