Nhà Lý - Vị thế Bắc Ninh với Vương triều Lý

14/05/2014 03:59 Số lượt xem: 65
             Mặc dù trải ngàn năm lịch sử, nhưng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là quê hương nhà Lý, còn bảo lưu được kho tàng khổng lồ những di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) phản ánh về thời Lý. Đó chính là hệ thống những địa danh, di tích và gắn liền là kiến trúc, điêu khắc, cổ vật, truyền thuyết, thơ ca, sấm ký, tín ngưỡng, lễ hội ở khắp các huyện, thị, làng, xã. Những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên đã hoà quện với nhau, khẳng định tỉnh Bắc Ninh có một vị thế to lớn quan trọng đối với vương triều nhà Lý
Nhà Thuỷ Đình, Đền Đô, phường Đình Bảng

      Quê hương phát tích nhà Lý

       Theo sử sách cổ như: “Việt sử lược”, “Thiền uyển tập anh”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam nhất thống chí”, “Lịch triều hiến chương loại chí” đều cho biết quê hương các vua Lý ở vùng đất Cổ Pháp. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi chép khá rõ về lai lịch và cả những truyền thuyết có liên quan đến Lý Công Uẩn như sau: “Thái tổ hoàng đế họ Lý, tên huý là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp lộ Bắc Giang, mẹ họ Phạm đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 (974)”.

        Châu Cổ Pháp vào thời Lý là một vùng đất rộng lớn gồm có nhiều hương (tương đương làng xã), nay thuộc thị xã Từ Sơn gồm các xã (phường): Đình Bảng, Tân Hồng, Tương Giang, được xác định là quê hương phát tích nhà Lý. Vùng đất này có núi, sông, ruộng đồng bờ bãi phì nhiêu, thuộc vùng đất “Tam cổ ngũ phù” được dân gian truyền tụng: “Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp” nổi tiếng trù phú và văn hiến. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nên ngay từ thời Đinh-Lê châu Cổ Pháp đã nổi tiếng là trung tâm kinh tế-văn hoá, đặc biệt là trung tâm Phật giáo với nhiều chùa tháp cổ. Theo sách “Thiền uyển tập anh” thì châu Cổ Pháp là một vùng đất có chùa tháp dày đặc như: chùa Cổ Pháp, chùa Lục Tổ, chùa Minh Châu, chùa Quỳnh Lâm, với nhiều sư tăng nổi tiếng trụ trì như: Thiền sư Định Không, Thiền sư La Quý An, Thiền sư Thiền Ông, Thiền sư Lý Vạn Hạnh, Thiền sư Lý Khánh Văn. Các Thiền sư trên không những giỏi Phật pháp, mà còn là những nhà chính trị, nhà ngoại giao nổi tiếng. Chính Thiền sư Lý Khánh Văn và Thiền sư Lý Vạn Hạnh là người cha tinh thần đã có công nuôi dưỡng, giáo dục, phò giúp Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Sách “Đại Nam nhất thống chí” đã ghi chép như sau: “Vào đời vua Lê Ngoạ Triều, ở làng Diên Uẩn châu Cổ Pháp có cây gòn nứt ra, người làng ấy nhận rõ chỗ dấu nứt có sấm văn lược rằng: Thụ căn diểu diểu, mộc biểu thanh thanh, hoà đao mộc lạc, thập bát tử thành. Khi ấy, Vạn Hạnh tự đoán ra rằng: Lạc nghĩa là rụng, ngã, chết; chữ Thành nghĩa là nên; có lẽ họ Lê suy vong, mà họ Lý phát thành”. Chính vùng đất châu Cổ Pháp địa linh nhân kiệt này đã sinh ra Lý Công Uẩn là bậc thiên tài có công khởi lập nên vương triều Lý và nền văn minh Đại Việt.

       Trong châu Cổ Pháp xưa, Đình Bảng xưa là hương Cổ Pháp bao gồm nhiều xóm hợp thành, có sông Tiêu Tương chảy qua, có thế đất “rồng chầu, huyệt đế vương” được truyền tụng là đất phát tích nhà Lý. Tại Đền Đô còn bảo lưu được tấm bia đá có tên “Cổ Pháp điện tạo bi”, được dựng năm Hoằng Định 5 (1604), do Tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn có đoạn như sau: “Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa nhất Kinh Bắc, thủ sơn phát tích gối đầu của tám con rồng, hình tượng đẹp muôn vẻ, vượng khí tốt, toát lên nơi này rất linh thiêng, cho nên sinh ra tám vua triều Lý được lâu dài và độc đáo”.

          Sử sách đã ghi lại công lao to lớn của vua Lý Thái Tổ như sau: Năm 1010 Lý Thái Tổ lên ngôi, ngay sau đấy thấy kinh đô Hoa Lư chật hẹp không thuận lợi về mọi mặt, đã chọn thành Đại La là nơi trung tâm cả nước để lập kinh đô và đặt tên là Thăng Long (Rồng bay). Trong “Chiếu dời đô”, Lý Thái Tổ đã khẳng định mưu toan lo việc lớn cho muôn đời sau: “… Làm như thế cốt để mưu toan việc lớn, đóng đô ở nơi trung tâm, tính kế cho con cháu muôn đời; trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân… thành Đại La, đô cũ của Cao Vương ở vào nơi trung tâm của trời đất; được thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Tây Đông; lại tiện hướng nhìn sông tựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư không phải chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

         Nhà vua còn về hương Cổ Pháp tìm đất để đặt Thái miếu thờ phụng tổ tiên gọi là khu “Thọ Lăng” hay khu “Sơn lăng cấm địa”. Khu Thọ Lăng này có 8 đường cao và 8 dọc nước tựa như “Bát Long, Bát Thủ” cùng chầu vào sau là nơi an nghỉ của các vua nhà Lý. Hiện nay ở Đình Bảng còn bảo lưu được đậm đặc những di tích phản ánh về thời Lý như: Đền Đô (Lý Bát Đế) thờ 8 vị vua nhà Lý. Khu sơn lăng cấm địa là nơi an nghỉ của các vua và thân tộc nhà Lý. Chùa Cổ Pháp (chùa Dận) là nơi bà mẹ Phạm Thị sinh ra Lý Công Uẩn. Chùa Kim Đài là nơi Thiền sư Ký Khánh Văn trụ trì nuôi dậy Lý Công Uẩn lúc ấu thơ.

 

       Liên quan đến quê hương phát tích nhà Lý còn có địa bàn phường Tân Hồng và xã Tương Giang. Theo thư tịch cổ thì thôn Dương Lôi là quê bà Phạm Thị thân mẫu của Lý Công Uẩn. Đình Dương Lôi nơi thờ Tám vị vua nhà Lý còn bảo lưu được ngai, bài vị và sắc phong các triều vua phong tặng cho các vua Lý. Xã Tương Giang nơi có núi Tiêu, chùa Trường Liêu, chùa Tiêu từng là trung tâm Phật giáo của thời Đinh-Lê. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết chùa Tiêu là nơi bà Phạm Thị được thần nhân giao hợp mà có mang sinh ra Lý Công Uẩn. Thư tịch cổ và truyền thuyết còn cho biết chùa Tiêu là nơi Thiền sư Lý Vạn Hạnh trụ trì nuôi dạy Lý Công Uẩn thuở ấu thơ. Hiện ở chùa Tiêu còn bảo lưu được tấm bia đá có tên “Lý gia linh thạch” kể về lai lịch của Lý Công Uẩn; cũng như ngai, bài vị và tượng thờ của Thiền sư Lý Vạn Hạnh, cùng nhiều thư tịch, tài liệu, cổ vật phản ánh về nhà Lý.

              Vùng đất hùng thiêng của cuộc kháng chiến chống Tống

        Cuộc kháng chiến chống Tống của quân dân nhà Lý ở thế kỷ XI là một chiến công lẫy lừng trong những trang sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc ta, không những chấm dứt âm mưu đô hộ gần 1000 năm trước đó của phong kiến phương Bắc, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới là dân tộc độc lập tự chủ của các triều đại phong kiến nước ta. Âm vang của cuộc kháng chiến hùng thiêng này đã được sử sách lưu danh và để lại dấu ấn đậm nét ở vùng đất Bắc Ninh.

     Sử sách cho biết: Năm 1076, đứng trước âm mưu xâm lược của nhà Tống, Thái uý Lý Thường Kiệt đã thể hiện đường lối thiên tài về quân sự “tiên pháp chế nhân”, nghĩa là ngồi đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để làm suy yếu và lung lạc tinh thần của chúng. Ông đã thống lĩnh 10 vạn quân sang đất Tống đánh phá các căn cứ quân sự của chúng ở Châu Ung, Châu Khâm và Châu Liêm, rồi chủ động rút quân về nước lập phòng tuyến bên bờ Nam sông Như Nguyệt để kháng chiến chống Tống. Thái uý Lý Thường Kiệt đã chọn bờ Nam sông Như Nguyệt để xây dựng phòng tuyến quân sự, bởi mọi con đường tiến công bằng đường bộ của quân Tống từ phía Bắc xuống Thăng Long đều phải vượt qua con sông này. Phòng tuyến quân sự để chặn giặc Tống chạy dọc bờ Nam sông Như nguyệt; nhưng trọng điểm là thuộc địa bàn tỉnh Bắc Ninh nơi có những bến đò ngang và đường giao thông huyết mạch ngắn nhất về kinh đô Thăng Long, thuộc các xã: Yên Phụ, Tam Giang, Dũng Liệt, Tam Đa, Hoà Long, Thị Cầu, Đáp Cầu, Kim Đôi, Đại Xuân, Việt Thống.

       Trong số những làng xã trên thì bến đò Như Nguyệt và Thị Cầu được xây dựng là hai cứ điểm quân sự quan trọng nhất, vì có bến đò ngang và con đường bộ chưa đầy 30km về Thăng Long. Để phối hợp với hai cứ điểm quân sự quan trọng Như Nguyệt và Thị Cầu còn là hàng loạt các doanh trại, đồn sở của quân đội nhà Lý và các đội dân binh địa phương ở các làng xã nằm bên bờ Nam sông Như Nguyệt. Cuối năm 1076, dưới sự lãnh đạo của Thái uý Lý Thường Kiệt, phòng tuyến sông Như Nguyệt được quân dân Đại Việt thiết lập xong và cả dân tộc trong thế chủ động đánh bại quân xâm lược nhà Tống.

      Dấu ấn về phòng tuyến quân sự Như Nguyệt còn để lại đậm đặc ở các địa danh, di tích, truyền thuyết… của các làng xã bên bờ Nam sông Như Nguyệt như: Tại xã Yên Phụ (Yên Phong) để lại dấu ấn là đại bản doanh của quân đội nhà Lý gồm có bộ chỉ huy, lực lượng quân chính quy và hậu cần. Sở dĩ, Yên Phụ được chọn làm nơi đóng đại bản doanh của cả phòng tuyến sông Như Nguyệt, bởi nằm trên dãy Thất Diệu sơn án ngữ con đường giao thông huyết mạch Như Nguyệt- Thăng Long, đồng thời chỉ cách bến đò Như Nguyệt chưa đầy 6km, rất thuận lợi cho việc chỉ huy chiến trận, cũng như bổ quân và vận chuyển lương thực, thực phẩm đến các trận địa quan trọng thuộc phòng tuyến. Dấu ấn của đại bản doanh quân đội nhà Lý ở xã Yên Phụ còn để lại ở tên các địa danh như: Núi Đồn, núi Tuần Phiên, Cánh Dinh, Cổng Trại, Cầu Gạo, Điếm Trung Quân, đường Bổ Quân, Bãi Tập Trận…

       Xã Tam Giang có bến đò ngang Như Nguyệt là nơi xung yếu, còn đó đậm đặc những địa danh, truyền thuyết về chiến trận chống Tống như: Vườn Dinh, Bờ Xác, Ruộng Án, Mả Tầu… Bến đò Như Nguyệt là diễn ra hai trận quyết chiến của quân dân nhà Lý với quân Tống: Trận thứ nhất, vào đầu năm 1077 sau khi quân Tống tiến đến bờ Bắc sông Như Nguyệt, đã bắc cầu phao vượt sông đánh vào bến đò Như Nguyệt và tiến sâu đến chân núi Thất Diệu hòng tiến về Thăng Long. Nhưng chúng không ngờ, quân dân nhà Lý từ hai phía ở bến Như Nguyệt và đại bản doanh Yên Phụ cùng đổ ra đánh khoá đầu và đuôi chúng lại. Quân Tống ở trong thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” bị tiêu diệt gần hết ngay tại cánh đồng sát bến đò Như Nguyệt chạy dài hàng trăm mét, dân địa phương gọi là “Bờ Xác”; còn quân Tống chất trận tại Yên Vĩ được dân gọi là “Bãi Xác”. Trận thứ hai, sau khi quân Tống đã nhiều lần tấn công sang bờ Nam đều bị thất bại ở Can Vang (Thọ Đức), Cửa Ngò (Phấn Động), Quả Cảm (Hoà Long)… cũng tại bến đò Như Nguyệt, Thái uý Lý Thường Kiệt trực tiếp cầm quân vượt sông đánh sang đại bản doanh của quân Tống bên bờ Bắc thuộc xã Mai Đình (Hiệp Hoa-Bắc Giang). Quân Tống bị đánh bất ngờ chết la liệt tại bãi sông rất lớn, nơi đấy dân gọi là “Bãi xác” và trên bãi này sau dân còn lập “chùa Xác” để thờ những vong chết trận khỏi quấy nhiễu.

       Đúng lúc, quân Tống cả mặt trận phía Đông và phía Tây của phòng tuyến sông Như Nguyệt đều bị thất bại, vào một đêm tối trời tại đền Xà trên bãi bồi ngã ba sông, Lý Thường Kiệt nhà quân sự thiên tài, nhà chính trị xuất sắc đã cho đọc vang bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” khẳng định chủ quyền của dân tộc Đại Việt trước quân xâm lược Tống. Số quân Tống còn lại đang trong thế thất trận đường cùng thế kiệt, từ Ngã Ba Xà nghe thấy tiếng thơ thần hoang mang cực độ, đã loan báo nhau khắp phòng tuyến sông Như Nguyệt tự phải rút lui.

       Nơi ghi công các danh nhân thời Lý.

       Để có vương triều nhà Lý trường tồn vững mạnh 215 năm, còn có vai trò to lớn của các danh nhân, danh tướng thời Lý như: Đô thống Lê Phụng Hiểu, Nguyên Phi ỷ Lan, Thái uý Lý Thường Kiệt, Thái sư Lê Văn Thịnh, Thái sư Tô Hiến Thành, các Quốc sư như Lý Vạn Hạnh, Lý Khánh Văn, Nguyễn Minh Không.

      Hiện tỉnh Bắc Ninh còn đó đậm đặc những di tích phản ánh về các danh nhân thời Lý như: Các di tích thờ Lê Phụng Hiểu gồm: đền, đình Hoà Đình, đình Niềm Xá (TP. Bắc Ninh), đình Đông Yên (Đông Phong-Yên Phong), đình Nguyệt Cầu (Tam Giang-Yên Phong). Các di tích thờ Thái uý Lý Thường Kiệt: đền Núi (Yên Phu-Yên Phong), đình, đền Lộ Bao (Nội Duệ-Tiên Du). Các di tích thờ Nguyên Phi ỷ Lan: đền Bà Tấm (Phật Tích-Tiên Du), đền, chùa Dạm, đình Môn Tự, đình Sơn Nam (Nam Sơn-TP. Bắc Ninh). Các di tích thờ Tô Hiến Thành: đền Bùi (Thị Trấn Thứa-Lương Tài), đình Lương Xá (Phú Lương-Lương Tài), đình Trình Khuê (Trung Chính-Lương Tài). Các di tích thờ Thái sư Lê Văn Thịnh có tới 14 làng xã nằm rải rác đôi bờ sông Đuống thuộc địa bàn các huyện: Gia Bình, Quế Võ, Thuận Thành. Di tích thờ các Quốc sư: chùa Tiêu thờ Thiền sư Vạn Hạnh, chùa Kim Đài thờThiền sư Lý Khánh Văn, thờ Nguyễn Minh Không (Khổng Minh Không) có tới hàng chục di tích thuộc địa bàn các huyện: thành phố Bắc Ninh, Tiên Du, Quế Võ, Lương Tài, Gia Bình.

       Mặc dù trải ngàn năm lịch sử, nhưng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là quê hương nhà Lý, còn bảo lưu được kho tàng khổng lồ những di sản văn hoá (vật thể và phi vật thể) phản ánh về thời Lý. Đó chính là hệ thống những địa danh, di tích và gắn liền là kiến trúc, điêu khắc, cổ vật, truyền thuyết, thơ ca, sấm ký, tín ngưỡng, lễ hội ở khắp các huyện, thị, làng, xã. Những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên đã hoà quện với nhau, khẳng định tỉnh Bắc Ninh có một vị thế to lớn quan trọng đối với vương triều nhà Lý và hướng tới nghìn năm Thăng Long-Hà Nội.

                                                                                              
Đỗ Thị Thuỷ

Nguyễn Thị Nga
Nguồn: BBN