Từ Sơn-Quê hương của những hiền tài
Theo sách Thiên Nam lịch triều truyện đăng khoa của Phan Hoà Phủ ghi chép về số người đỗ đại khoa từ năm 1075 (thời Lý) đến năm 1788 (Lê Trung Hưng) thì xứ Kinh Bắc có 593 người đỗ đại khoa. Trong đó phủ Từ Sơn có 282 người, huyện Đông Ngàn có 138 người. Có 4 người đỗ trạng nguyên là Nguyễn Quan Quang (Tam Sơn), Nguyễn Giản Thanh (Hương Mạc), Ngô Miễn Thiệu (Tam Sơn), Nguyễn Xuân Chính (Phù Chẩn).
Trên nhiều làng quê, dòng họ, truyền thống nho học liên tục được phát huy. Các thế hệ nối tiếp nhau có nhiều người đỗ đạt làm quan. Tiêu biểu như các làng Tam Sơn, Hương Mạc, Vĩnh Kiều, Phù Chẩn, Trang Liệt, Vân Điềm, Cẩm Giang… Tam Sơn là làng có nhiều người đỗ đạt cao chỉ sau làng Kim Đôi (Quế Võ) và là làng duy nhất có đủ tam khôi ở Bắc Ninh. Dòng họ Ngô ở Tam Sơn có nhiều người đỗ đại khoa: Ngô Luân, Ngô Thầm, Ngô Miễn Thiệu, Ngô Diễn, Ngô Dịch, Ngô Sách Thí, Ngô Sách Tố, Ngô Sách Hân…
Làng Ông Mặc (Hương Mạc), họ Đàm có nhiều người đỗ tiến sỹ như: Đàm Thận Huy, Đàm Thận Giản, Đàm Đình Cư… Làng Vân Điềm có Nguyễn Thực đỗ tiến sỹ khoa Ất Mùi (1595), con là Nguyễn Thi, cháu là Nguyễn Quai, Nguyễn Sỹ, Nguyễn Thẩm đều thi đỗ và làm quan trong triều.
Đặc biệt là khoa thi năm Canh Tuất thời Lê (1490) vùng Từ Sơn có năm người đỗ tiến sỹ là Ngô Đức Thận, Nguyễn Hoằng (Trang Liệt), Nguyễn Thúc Dụ (Phù Lưu), Nguyễn Xao (Phù Chẩn), Đàm Thận Huy (Hương Mạc).
Trong Hội Tao Đàn nhị thập bát tú do Lê Thánh Tông làm chủ soái, văn tài Từ Sơn có ba thành viên là Ngô Luân, Ngô Thầm, Đàm Thận Huy với nhiều bài thơ xướng hoạ đăng trong tập Quỳnh Uyển cửu ca.
* Các bậc danh nhân khoa bảng đã từng chiếm bảng khôi nguyên ở Từ Sơn, tiêu biểu là:
1. Nguyễn Quán Quang: Người làng Tam Sơn, sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ rất ham học, lại thông minh, có khẩu khí ứng đối lưu loát. Ông từng thi đỗ đầu các kỳ thi hương, thi hội. Năm 1246, nhà Trần mở khoa thi đại tỷ Nguyễn Quán Quang đỗ đầu, là vị trạng nguyên khai khoa ở nước ta. Ông được nhà vua tin dùng, nhiều lần được cử tiếp sứ nhà Nguyên, làm quan đến chức Bộc xạ. Sau ông từ quan về quê dạy học, sống cuộc đời thanh đạm. Chính ông là người khai sáng, vun đắp nền Nho học ở quê hương Tam Sơn.
2. Quách Giai (1660 - 1730): Quê ở xã Phù Khê, huyện Đông Ngàn - là cháu xa đời của Tiến sĩ Quách Điển, Quách Toản và Quách Khiết. Năm 24 tuổi ông thi đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ (tức Thám Hoa). Ông làm quan đến chức Thái thường tự khanh, mất năm Canh Tuất.
3. Nguyễn Quỳnh Cư (1514-1568) - quê xã Phù Khê, là viễn tổ của Tiến sỹ Nguyễn Hồ, Nguyễn Trọng Đột. Năm 28 tuổi Ông đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Tân Sửu niên hiệu Quảng Hoà 1 (1541) đời Mạc Phúc Hải. Ông làm quan đến chức Tham Chính, tước Văn Khê Bá.
4. Nguyễn Giản Thanh: sinh năm 1482, quê xã Hương Mạc, cha là Nguyễn Giản Liên.
Năm Mậu Thìn thời Lê (1508), Nguyễn Giản Thanh dự kỳ thi đình, đỗ trạng nguyên, với bài phú văn nôm nổi tiếng Phượng Thành xuân sắc. Ông được bổ làm quan đến chức Đông các đại học sỹ. Dưới thời Mạc, ông từng được cử đi sứ phương Bắc, được thăng chức Thượng thư bộ Lễ, Hàn Lâm viện thị độc, Chưởng viện sự tước Trung phụ bá.
Trạng Me Nguyễn Giản Thanh là một người thành đạt trên đường công danh, ông cũng là người giỏi văn chương còn lưu lại các tác phẩm nổi tiếng: Thương Côn Châu ngọc tập, Phượng thành xuân sắc (phú nôm).
5. Ngô Miễn Thiệu: quê ở Tam Sơn, là con của bảng nhãn Ngô Thầm, một dòng họ danh tiếng với nhiều người thành đạt trong khoa bảng.
Vào khoa thi năm Mậu Dần niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) Ngô Miễn Thiệu 20 tuổi đỗ trạng nguyên. Ông được bổ làm quan dưới triều Mạc đến chức Thượng thư Bộ Lại kiêm Đô ngự sử. Ngô Miễn Thiệu là một bậc quan tài năng, mẫn cán. Khi về hưu ông dạy học tại quê nhà. Hai con ông là Ngô Diễn, Ngô Dịch đều đỗ tiến sỹ.
6. Nguyễn Xuân Chính: quê xã Phù Chẩn, trong dân gian gọi ông là trạng Cháy. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học. Người cha từng thi đậu hương cống, làm quan đến chức Tự Khanh Thái Bảo.
Nguyễn Xuân Chính mồ côi cha năm lên ba tuổi. Từ đây gia đình ông lâm vào cảnh hàn vi. Mẹ là Từ Huệ phải bán ruộng lấy tiền cho con theo học.
Năm 16 tuổi, Nguyễn Xuân Chính thi đỗ Giải nguyên. Năm 37 tuổi ông thi trúng khoa Hoành từ, được bổ làm Huấn đạo phủ Nghĩa Hưng. Được hai năm ông từ quan về nhà dạy học, tiếp tục dùi mài kinh sử, quyết lấy đại khoa. Từ khoa thi năm Bính Thìn (1616), Xuân Chính dự sáu kỳ thi đều bị đánh hỏng vì bị quan trường thành kiến.
Đến khoa thi năm Đinh Sửu, thời Lê Trung Hưng (1637), Nguyễn Xuân Chính thi đình đậu trạng nguyên, lúc này ông đã 50 tuổi.
Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính là người văn võ song toàn, có tài hùng biện, văn chương lai láng, ông nhiều lần được cử giao tiếp với sứ thần Bắc triều.
Ông cũng từng được giao việc cầm binh dẹp loạn, được phong làm Binh bộ tả thị lang. Ông còn được Vua giao trông coi việc thi cử, dạy học cho thái tử và được thăng chức Lễ bộ tả thị lang. Ông là người ngay thẳng, trung thực, giữ đúng kỷ cương phép nước.
7. Ngô Luân: người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn đỗ đồng tiến sỹ khoa Ất Mùi (1475), hai lần thi đỗ Đông các thành viên hội Tao Đàn, làm thơ dâng vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Thượng thư kiêm Đông các đại học sỹ. Người em là Ngô Thầm, đỗ bảng nhãn, có nhiều bài thơ trong Hoàng Việt thi tuyển.
8. Đàm Thận Huy: người xã Hương Mạc, đỗ tiến sỹ khoa Canh Tuất (1490), làm quan trong viện hàn lâm, thành viên hội Tao đàn nhị thập bát tú. Đời Hồng Thuận (1510 - 1516) vì có công ứng nghĩa, ông được thăng Thượng thư Bộ hình, phụng mệnh đi sứ, khi về được thăng Thượng thư Bộ lại.
Khi Mạc Đăng Dung chiếm quyền, ông mang mật chiếu của vua Lê, đem hơn 5 vạn quân chống lại quân nhà Mạc, bị thất bại ông tuẫn tiết tại vùng Bắc Giang.
Mạc Đăng Dung cảm kích nghĩa khí đó đã truy tặng ông tước hầu. Đời Lê Trung Hưng lập đền thờ Tiết Nghĩa từ ở làng để tưởng nhớ ông. Sử sách đương thời xếp ông vào hàng trung nghĩa. Cùng tham gia ứng nghĩa phò Lê chống Mạc với Đàm Thận Huy còn có nhiều trung thần, nghĩa sỹ tiêu biểu là Nguyễn Hữu Nghiêm, Nguyễn Tự Cường…
9. Nguyễn Công Hãng: người làng Phù Chẩn, cũng là một công thần nổi tiếng thời hậu Lê. Năm Canh Thìn (1700) Nguyễn Công Hãng mới 21 tuổi, dự thi đình đỗ đồng tiến sỹ. Sau đó ông được bổ nhiệm làm đốc trấn An Bang (Quảng Ninh), sau lại được thăng làm Binh bộ tả thị lang, từng được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh.
Nguyễn Công Hãng là một trung thần đã dốc nhiều công sức vì sự hưng thịnh của quốc gia. Trong lĩnh vực ngoại giao, ông là người thông minh khôn khéo, có công lớn trong việc đấu tranh với nhà Thanh bãi bỏ lệ cống người vàng và nước giếng Cổ Loa, giữ gìn quốc thể của Đại Việt.
Trong 13 năm làm tham tụng, ông đề ra những cải cách lớn về kinh tế, tài chính nhằm chấn hưng đất nước, giúp chính quyền Lê - Trịnh cải cách lễ giáo.