Bắc Ninh phát triển kinh tế số và công nghiệp bán dẫn

24/10/2023 16:10 Số lượt xem: 247

Sáng ngày 23/10/2023, Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh long trọng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Bắc Ninh: Động lực phát triển kinh tế số và công nghiệp bán dẫn. Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của đông đảo đại biểu các Sở, ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó là sự góp mặt trình bày của hai khách mời quan trọng là bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê và ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu về Đo lường kinh tế số, Bà Nguyễn Thị Thu Hương đã giới thiệu hai cách tiếp cận đo lường kinh tế số của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vấn đề lo lường kinh tế số của Việt Nam cũng như của tỉnh Bắc Ninh. Theo công bố của một số quốc gia, kinh tế số năm 2021 của Mỹ ước đạt 10,3% GDP, Trung Quốc là nền kinh tế số lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với ước tính trị giá 7,1 nghìn tỷ USD vào năm 2021 (chiếm 39,8% GDP), đóng góp của kinh tế số trong GDP của Canada năm 2017 là 5,5%, của Úc năm 2020-2021 là 6,1% và của một số quốc gai Đông Nam Á là 14,1% GDP (Thái Lan), 23,1% GDP (Malaysia). Những con số này đã cho thấy vai trò động lực quan trọng của kinh tế số trong phát triển kinh tế của một quốc gia. Tại Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đóng góp của kinh tế số vào GDP nước ta năm 2025 là 20% và năm 2030 là 30%. Luật Thống kê sửa đổi năm 2021 đã nêu rõ 230 Chỉ tiêu thống kê, trong đó 23 chỉ tiêu phản ánh chuyển đổi số và xã hội số, có chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP. Đối với tỉnh Bắc Ninh, Nghị Quyết số 25- NQ/TU ngày 18/3/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh về chương trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã đưa ra mục tiêu đưa kinh tế số đạt 20% GRDP vào năm 2025 và 30% GRDP vào năm 2030.


Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Hương

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, Bắc Ninh vượt chỉ tiêu, trở thành tỉnh có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP cao nhất cả nước (đạt 56,83%) theo báo cáo thường niên kinh tế số Việt Nam 2022 của Ban Kinh tế Trung ương.Những con số trên tuy mới chỉ là tính toán thử nghiệm nhưng có thể nhận định về những đóng góp của tỉnh trong phát triển kinh số trong phạm vị quốc gia, kết quả trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư các tập đoàn lớn của thế giới về công nghệ, công nghệ thông tin và các doanh nghiệp phụ trợ, đóng góp của khu vực này đối với cơ cấu kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn trong những năm qua. 

Song song với phát triển kinh tế số, sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu trong những năm gần đây. Có thể nói, công nghiệp bán dẫn đã trở thành động lực cho nhiều nền kinh tế trong suốt 6 thập kỷ qua. Tham gia trình bày tại Hội thảo với chủ đề nêu trên, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu lên một số kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong ngành bán dẫn hiện nay, phân tích thực trạng của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị quan trọng. Theo ông, ngành bán dẫn có một vai trò quan trọng khi tạo ra số lượng việc làm lớn cho xã hội nên được các quốc gia phát triển hết sức quan tâm. Mỹ đã dành ra khoảng 280 tỷ Đô-la cho nghiên cứu và sản xuất bán dẫn bên trong lãnh thổ của mình và chiếm tới gần một nửa thị phần kinh doanh bán dẫn toàn cầu năm 2021. Đài Loan tuy ra nhập thị trường bán dẫn muộn hơn nhwung có thể tạo ra tới hơn 60% tổng sản phẩm bán dẫn toàn cầu, hơn 90% tổng sản phẩm bán dẫn cao cấp. Hàn Quốc cũng là quốc gia chiếm thị phần chip nhớ tương đối lớn trên thế giới trong chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc là xây dựng chuỗi giá trị bán dẫn tốt nhất thế giới vào năm 2030.


Ông Nguyễn Hoa Cương (khách mời) và đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo - Ảnh: Minh Hương

Việt Nam với hơn 40 năm trong ngành bán dẫn đã sớm xác định được vi mạch điện tử là 1 trong 9 sản phẩm chủ lực phát triển của đất nước. Dù đã có lịch sử khoảng 40 năm nay, ngành thiết kế chip bán dẫn vẫn xa lạ với người học. Các bạn sinh viên biết tới ngành vi mạch rất ít trong khi đây là ngành có thu nhập hấp dẫn và nhu cầu nhân lực cho ngành ngày càng cao. Hiện nay, Việt Nam đang sở hữu đội ngũ kỹ sư với số năm kinh nghiệm TB 5 năm (độ tuổi có nhiều sáng tạo và đóng góp được nhiều nhất cho ngành vi mạch). Trong bối cảnh áp lực của sự thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu gia tăng mà trình độ kỹ sư Việt Nam ngày được cải tiến, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường phát triển về số lượng nguồn nhân lực thiết kế chip. Bắc Ninh có lợi thế lớn khi thu hút được sự đầu tư của tập đoàn bán dẫn Amkor Technology, dự kiến tạo ra khoảng 10.000 việc làm vào năm 2035. Đây là bước khởi đầu quan trọng để tỉnh Bắc Ninh chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn, tạo động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Cũng theo ôgn Cương, điều cần thiết hiện nay là xây dựng và triển khai các chính sách riêng cho ngành vi mạch; thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn thông qua ưu đãi thuế; hợp tác doanh nghiệp với trường đại học mở chuyên ngành riêng, giảm học phí cho sinh viên ngành vi mạch để đào tạo, bồi dưỡng sớm đội ngũ kỹ sư vi mạch tương lai. Nhưng quan trọng hơn hết là phát huy vai trò của các doanh nghiệp lớn như Amkor và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đối mới sáng tạo của doanh nhân Việt. 

Buổi Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp nhờ sự tham gia trình bày của hai khách mời quan trọng cùng với những ý kiến đóng góp nhiệt tình của các đại biểu tham dự. Viện sẽ tiếp tục triển khai các Hội thảo khoa học với chủ đề liên quan tới các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong thời gian tới.

 

Minh Hương – Viện nghiên cứu PTKTXH tỉnh Bắc Ninh