Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất công nghiệp

30/05/2024 08:14 Số lượt xem: 45

Ngày 28-29/5, Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2024 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Phát triển kinh tế số”. Đây là sự kiện thường niên quy mô quốc gia và quốc tế do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Diễn đàn diễn ra với 07 phiên hội nghị chuyên đề, triển lãm nền tảng giải pháp số, và hoạt động kết nối giao thương. Các lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia  tập trung chia sẻ và thảo luận theo 03 tuyến chuyên đề: Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh, Phát triển kinh tế số và Công nghệ chuyển đổi, với các vấn đề nóng bao gồm:

- Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số.

- Quản trị và vận hành hiệu quả doanh nghiệp, tổ chức dựa trên dữ liệu. Chuyển đổi số - xanh: Chiến lược, tiêu chuẩn, triển khai hiệu quả.

- Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất công nghiệp.

- Tài chính xanh cho phát triển bền vững.

- Digital Trust và Phát triển Thương mại điện tử xuyên biên giới.

- Hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn.

- Công nghệ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số.

Bên cạnh 07 phiên hội nghị, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á 2024 còn tổ chức hoạt động triển lãm trưng bày các giải pháp chuyển đổi số từ các doanh nghiệp công nghệ, và các hoạt động kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Diễn đàn thu hút sự tham dự của hơn 2.000 lượt đại biểu là các lãnh đạo, chuyên gia đến từ 17 nền kinh tế trong khu vực, 35 tỉnh thành phố trên cả nước.


Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2024

Những năm gần đây, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số. Các doanh nghiệp và tổ chức đang tìm cách tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị mới. Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra sự chuyển đổi kép, đóng vai trò vừa là điều kiện, vừa là động lực, tạo ra cơ hội và thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của nhân loại trong thế kỷ 21.

Từ năm 2020, Chính phủ Việt Nam phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Năm 2021, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ quốc tế giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai cam kết COP26 được thành lập và Đề án triển khai COP26 được phê duyệt ngay sau đó. Chính phủ đã nêu ra định hướng chuyển đổi số năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT và Truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo “Chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi nền kinh tế từ nâu sang xanh. Việt Nam tập trung và mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực này”.

Trong hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất công nghiệp” diễn ra vào chiều ngày 29/5, TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Bắc Ninh đã trình bày bài tham luận “Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-20230, tầm nhìn 2050”. TS. Nguyễn Phương Bắc khẳng định chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay để tỉnh Bắc Ninh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bài tham luận cũng giới thiệu sơ lược về tỉnh Bắc Ninh trong bối cảnh mới, cách tiếp cận, phương pháp xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh, và 03 kịch bản tăng trưởng xanh.


TS. Nguyễn Phương Bắc trình bày tham luận tại Hội thảo

Thông qua đánh giá chi phí - lợi ích và tác động của 03 kịch bản tăng trưởng xanh đã chỉ ra rằng: Kịch bản kinh tế là kịch bản đảm bảo được các tiêu chí về giảm phát thải khí nhà kính, mang lại lợi ích kinh tế và làm gia tăng GDP, góp phần giảm tiêu hao năng lượng, gia tăng việc làm nhưng yêu cầu nguồn lực vừa phải. Do đó, trong giai đoạn ngắn hạn 2022 - 2030, kịch bản kinh tế là lựa chọn tối ưu cho Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Bắc Ninh để đảm bảo được cả mục tiêu về phát triển lẫn mục tiêu về môi trường và xã hội. Trong giai đoạn tiếp theo từ 2030 – 2040 khi các giải pháp tăng trưởng xanh trở nên khả thi và có tính thực tiễn cao hơn, kịch bản kỹ thuật có thể sẽ được tiếp tục đánh giá và triển khai áp dụng. Điều này được lý giải là do kịch bản kỹ thuật có mức giảm phát thải khí nhà kính cao hơn, nhưng bao gồm cả những giải pháp chưa mang lại lợi ích kinh tế nên chưa có tác động rõ rệt về trụ cột kinh tế. Bên cạnh đó, nguồn lực yêu cầu cho kịch bản kỹ thuật cũng cao hơn hiều so với kịch bản kinh tế. Giai đoạn tầm nhìn từ 2040 – 2050, khi kinh tế đã phát triển đạt đỉnh, các trụ cột về môi trường sẽ được đẩy mạnh hơn theo kịch bản hướng tới net-zero. Kịch bản hướng tới net-zero là kịch bản có tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính cao nhất, nhưng cũng có yêu cầu nguồn lực lớn nhất – gấp 2,7 lần so với kịch bản kinh tế. Đây là kịch bản với tầm nhìn dài hạn về trụ cột môi trường chứ chưa cân bằng với các trụ cột kinh tế và xã hội. Cũng trong khuôn khổ bài tham luận, TS. Nguyễn Phương Bắc đã trình bày tóm tắt Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược Tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; đồng thời chỉ ra những vấn đề tồn tại trong quản trị Khu công nghiệp và xu hướng mới trong xây dựng khu công nghiệp.

Sau khi kết thúc tham luận,  TS. Nguyễn Phương Bắc cùng các diễn giả tham gia toạ đàm: Số - Xanh trong sản xuất công nghiệp: Cơ hội và thách thức. Toạ đàm diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi, những nhận định, phân tích của các chuyên gia, doanh nghiệp về giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong sản xuất công nghiệp.

Các diễn giả tham gia toạ đàm: Số - Xanh trong sản xuất công nghiệp: Cơ hội và thách thức.

Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2024 là cơ hội quý giá để các lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp cùng bàn thảo, đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm cho các mục tiêu đặt ra trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030” và “Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia  giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

Ths. Nguyễn Thị Thu Huyền - Viện Nghiên cứu Phát triển KTXH tỉnh Bắc Ninh