Bắc Ninh với quyết tâm xoay chuyển tình thế, tạo động lực tăng trưởng mới

22/01/2024 14:35 Số lượt xem: 130

Sáng ngày 17/01/2024, Hội thảo “Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ: Tạo động lực tăng trưởng mới” đã diễn ra tại trụ sở Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh với sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan ban ngành và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu đã dành phần lớn thời gian để lắng nghe phần trình bày Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của tỉnh và Nhận diện khả năng xoay chuyển tình thế năm 2024, đồng thời tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm xác định những động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn sắp tới.

Trên cơ sở Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nước năm 2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, các khách mời tham dự đã khái quát lại bức tranh kinh tế - xã hội năm vừa qua, đồng thời đặt ra câu hỏi thảo luận về động lực tăng trưởng của Bắc Ninh trong giai đoạn sắp tới.

Có thể nói 2023 vẫn tiếp tục là một năm ảm đạm với những bất ổn, trồi sụt và khác thường của thế giới: tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức rất thấp trong khi lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt nhiều; cục diện chính trị thế giới tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng đa cực, đa trung tâm ngày càng rõ nét. Các thách thức vẫn còn chưa được giải quyết là trái đất nóng lên, nước biển dâng và xung đột toàn cầu trên những nền tảng và tầm vóc mới. Trong bối cảnh đó, các cường quốc đang phát triển (Trung Quốc, Ấn Độ) trỗi dậy nhờ cải cách thị trường, động lực toàn cầu hóa, thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng. Việt Nam có thể coi là nghịch lý ngôi sao khi đang phát triển lệch nhịp so với thế giới.


PGS. TS. Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam trình bày về khả năng xoay chuyển của nền kinh tế

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng kinh tế hiện nay vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI mà ít phát huy được vai trò của các doanh nghiệp nội địa; nền kinh tế thừa tiền nhưng lại thiếu vốn, giàu tiềm năng trụ hạng nhưng chậm lớn và khó lớn. Nguyên nhân chính là quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô còn thiếu sót khi quá sợ lạm phát mà quên mất việc chăm lo cho sức khỏe các doanh nghiệp; cấu trúc thị trường hiện tại vẫn thiên lệch và cơ chế xin – cho trong điều hành nền kinh tế vẫn còn phổ biến. Theo số liệu thống kê năm 2023, mỗi tháng có khoảng 14.400 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tổng lượng vốn đăng ký giảm 7,9%, quy mô vốn/ doanh nghiệp giảm 13,1%.

Để có thể biến những thách thức này thành cơ hội, Việt Nam đã triển khai các chính sách thu hút FDI dựa trên nền tảng khoa học công nghệ cao, coi khoa học công nghệ là trụ cột kinh tế; làm bạn với thế giới, hội nhập ở tầm cao; bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong khôi phục phát triển kinh tế xã hội, song theo Phó giáo sư, Việt Nam vẫn cần hành động tích cực hơn nữa để có thể lật ngược tình thế. Thông qua bài học kinh nghiệm từ Bình Dương, ông cũng đã gợi mở thêm một hướng mới trong xác định động lực tăng trưởng của tỉnh. Bắc Ninh cần tạo được những đột phá về tầm nhìn, logic trong bước đi tới hiện đại hóa, thông minh hóa, phát triển đô thị; về thể chế chủ động trong đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó cũng cần nuôi dưỡng các doanh nghiệp nội địa trụ cột, tạo chân dung và định hướng phát triển theo phương châm tiến vượt.

Bắc Ninh nằm trong tuyến Vành đai 3, Vành đai 4 của Vùng Thủ đô với rất nhiều lợi thế. Tuy nhiên, đòi hỏi tỉnh phải thay đổi tư duy, sáng tạo để duy trì lợi thế cạnh tranh. Với khung khổ là Quy hoạch chung đô thị đếm năm 2045 và Quy hoạch tỉnh đến năm 2050, Bắc Ninh xác định cần tạo dựng mỗi liên hệ kinh tế đô thị - cụm ngành – đổi mới sáng tạo nhằm tăng sức cạnh tranh và chuyển mình từ cực thành động lực tăng trưởng của vùng. Thời gian vừa qua tỉnh cũng đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế đi kèm với tiến bộ và công bằng xã hội khi mức sống dân cư được nâng cao, trình độ phát triển con người (được đo bằng chỉ số HDI) tăng lên, nghèo đói và khoảng cách xã hội giảm dần. Chỉ số Xanh cấp tỉnh 2022 xếp thứ 3 toàn quốc và là địa phương duy nhất được VCCI trao tặng danh hiệu với cả hai chỉ số PCI và PGI. Điều này đã góp phần ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong giải quyết ô nhiễm môi trường và khả năng chuyển đổi xanh trong Quy hoạch tỉnh. Để có thể nối tiếp những thành tựu hiện tại và thực hiện các mục tiêu Quy hoạch tỉnh, Bắc Ninh đã nhanh chóng xây dựng Kế hoạch Tăng trưởng xanh cấp tỉnh với 3 kịch bản áp dụng cho từng giai đoạn. Trong ngắn hạn, kịch bản kinh tế là lựa chọn tốt nhất đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường, xã hội. Giai đoạn 2030-2040 là thời điểm thích hợp để đánh giá và áp dụng kịch bản kỹ thuật; kịch bản hướng tới net-zero sẽ phù hợp với giai đoạn tầm nhìn sau 2040.

TS. Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng trình bày Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược Tăng trưởng xanh cấp tỉnh

Theo TS. Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, một số vấn đề cần lưu ý hiện nay là thu hút đầu tư tái cấu trúc các Khu công nghiệp cũ theo hướng bao trùm: xanh, thông minh, tuần hoàn. Có thể thí điểm trên một khu công nghiệp, từ đó làm hình mẫu cho các khu công nghiệp khác trong toàn tỉnh. Các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng cộng đồng văn hóa cũng cần được đảy mạnh gắn với mục tiêu xanh, bền vững.

Các đại biểu tham dự cũng đã đưa ra những góp ý và kỳ vọng vào một thời kỳ phát triển mới với tư duy mới, động lực mới của địa phương. Viện ghi nhận những trao đổi, đóng góp của tất cả các đại biểu và sẽ tiếp tục vai trò cầu nối, gắn kết nghiên cứu khoa học với thực tiễn trong tương lai.

Minh Hương - Viện Nghiên cứu Phát triển KTXH tỉnh Bắc Ninh