Đại biểu Trần Thị Vân tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

03/11/2023 09:51

(BNP) - Sáng 03/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh bày tỏ đồng ý với quan điểm đề xuất quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì được có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.

Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Theo đại biểu Trần Thị Vân, dự thảo Luật Đất đai lần này cơ bản đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn, trên cơ sở rà soát, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, chuyên gia và nhân dân. Dự thảo luật thể hiện rõ ràng hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân đối với dự án luật quan trọng của đất nước.

Cơ bản nhất trí với dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, dự thảo Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về các quy định liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, hiện các quy định này đang bị chia tách một nửa tại Chương V, một nửa được sửa đổi vào Luật Quy hoạch. Ví dụ như quy định về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy định về căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, căn cứ và nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia được quy định tại Điều 65 của Luật Đất đai, trong khi nội dung của quy hoạch sử dụng đất quốc gia lại được quy định tại Điều 24 của Luật Quy hoạch và được chính Điều 252 của Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung. Tương tự đối với quy định về quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh và các loại đất khác.

Như vậy, nếu giữ nguyên như dự thảo, sau khi ban hành thì việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật sẽ bị xé lẻ, manh mún. Đặt cương vị là đơn vị lập quy hoạch sử dụng đất, sử dụng cùng lúc 02 luật: Luật Đất đai và Luật Quy hoạch, bởi nội dung nằm trong Luật Quy hoạch nhưng căn cứ lại thuộc Luật Đất đai… Đại biểu Trần Thị Vân đề nghị các quy định về quy hoạch sử dụng đất cần được sửa đổi, bổ sung vào ngay Chương V của dự thảo Luật Đất đai, đồng thời bãi bỏ các quy định về nội dung, quy trình đang bị chồng chéo tại Luật Quy hoạch.

Thứ hai, tại khoản 6, Điều 4, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra 2 phương án đề xuất sửa đổi liên quan đến đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đại biểu Trần Thị Vân lựa chọn phương án 1 là chỉnh sửa “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” thành “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Bởi lẽ, theo Luật Quốc tịch Việt Nam quy định, thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm 02 đối tượng: (1) người có quốc tịch Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và (2) người đã từng có quốc tịch Việt Nam và con cháu của họ.

Đại biểu Trần Thị Vân đồng ý với quan điểm phải có sự công bằng giữa công dân Việt Nam sinh sống trong nước và công dân Việt Nam sinh sống tại nước ngoài. Họ vẫn là người Việt Nam, mang trong mình quốc tịch Việt Nam nên được ứng xử như một công dân Việt Nam trong tiếp cận đất đai. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có khoảng trên 5,3 triệu người đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tổng lượng kiều hối do bà con kiều bào chuyển về nước từ năm 1993 đến năm 2022 ước tính đạt khoảng 200 tỷ USD. Trong 20 năm qua, kiều hối có giá trị bằng gần 80% nguồn vốn FDI và gấp 1,7 lần nguồn vốn ODA được giải ngân, chiếm khoảng 5,57% GDP, bằng 29% dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Do đó, đại biểu ủng hộ phương án 1 là đề xuất quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì được có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước; đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài có các quyền và nghĩa vụ giữ nguyên như quy định tại Luật Đất đai năm 2013 để góp phần thu hút bà con kiều bào ủng hộ, đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và kiều hối từ người Việt Nam định cư ở nước ngoài về trong nước.

Thứ ba, tại khoản 2, Điều 161 của dự thảo Luật, việc thực hiện phân cấp, phân quyền rất triệt để, phân cấp toàn bộ thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất cho các địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế, thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc tố tụng đáng tiếc tại một số tỉnh/thành liên quan đến tính toán, xác định giá những khu đất vàng chưa phù hợp để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất gây thất thoát ngân sách nhà nước. Do đó, cần cân nhắc bổ sung vào dự thảo Luật trường hợp giá trị của khu đất tính theo giá bảng giá có giá trị lớn đến hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt khi giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu. Ví dụ: các trường hợp giao đất thuộc các dự án đầu tư công, dự án lấn biển… được quy định tại Điều 125, thì cần có cơ chế kiểm soát ngay từ ban đầu với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước có chuyên môn sâu, khi đề xuất phương án giá đất đảm bảo không gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, chứ không chờ đến khâu hậu kiểm.

Đại biểu Trần Thị Vân cho biết, thông qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cũng như các thông tin dư luận xã hội, có thể nói người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang rất là mong chờ Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành. Qua mỗi kỳ họp, mỗi cuộc hội thảo, hội nghị mà các phương tiện truyền thông đưa tin về những cải cách mạnh mẽ, những chính sách ưu việt trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tạo ra niềm trông đợi rất lớn của cử tri. Theo kế hoạch Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua cùng lúc với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản tạo ra đòn bẩy đối với sự hồi phục của thị trường bất động sản cũng như tăng trưởng kinh tế. Mặc dù với khối lượng lớn các dự thảo Luật xin ý kiến tại kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến, Ban soạn thảo tập trung tiếp thu với tinh thần và quyết tâm cao nhất, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo chất lượng cao nhất và hiệu quả để dự thảo Luật Đất đai sớm được Quốc hội thông qua.

PV