Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham gia thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
(BNP) - Chiều 02/11, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham gia thảo luận tại Tổ 13, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Anh Tuấn điều hành phiên thảo luận.
Tham gia ý kiến thảo luận tại Tổ 13, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân cho rằng, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đáp ứng kỳ vọng của cán bộ, đảng viên, người lao động, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Dự thảo đã mở rộng các hình thức bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện; bổ sung, sửa đổi các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) còn bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH; tách BHXH đối với khu vực hành chính nhà nước ra khỏi khu vực doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng một số quy định trong dự thảo Luật vẫn còn chung chung, chưa cụ thể. Còn có nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần tiếp tục được đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể để đảm bảo chính sách đồng bộ, khả thi, hiệu quả.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13.
Theo đại biểu Trần Thị Vân, các chế độ BHXH hiện nay đang được quy định tại 3 luật khác nhau (Luật BHXH, Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Việc làm). Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét, đánh giá cụ thể về mối quan hệ giữa Luật BHXH và các luật có điều chỉnh về các chính sách về BHXH để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp nội dung cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Đề nghị bổ sung “Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm” là một chế độ của BHXH bắt buộc, quy định tại khoản 2 Điều 5 dự thảo; đồng thời bổ sung Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp như một quỹ thành phần của quỹ BHXH quy định tại Điều 116 dự thảo.
Đối với việc xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc (Điều 37), đại biểu đề nghị cân nhắc chế tài quy định tại khoản 2 vì biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn không chỉ liên quan đến toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn, việc làm của người lao động, đến đời sống của người lao động. Tại khoản 3, đề nghị giảm thời gian quy định việc hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH từ 12 tháng xuống còn 03 tháng.
Đại biểu Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, chủ thể có trách nhiệm tham gia quản lý, tổ chức thực hiện về BHXH không chỉ có cơ quan BHXH, do vậy ngoài cơ quan BHXH, các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác khi phát hiện hành vi dấu hiệu tội phạm trốn đóng BHXH đều phải có trách nhiệm lập hồ sơ kiến nghị khởi tố. Vì vậy, đề nghị sửa khoản 5 như sau: “Người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự thì cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị nghiên cứu và quy định thống nhất về chính sách đối với trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ và trường hợp nhận nuôi con nuôi quy định tại Điều 53, Điều 54.
Đồng thời bổ sung quy định: Đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn, bị rút giấy phép kinh doanh… nếu có nguyện vọng người lao động có thể nộp tiền đóng BHXH còn thiếu (bao gồm cả phần phải đóng của người lao động và chủ sử dụng lao động) được xác nhận thời gian đóng BHXH để giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Bởi theo đại biểu, các doanh nghiệp phá sản, bị rút giấy phép kinh doanh, không có người đại diện theo pháp luật mà còn nợ tiền đóng BHXH thì hầu như rất khó để đóng bổ sung nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Trong thực tế, khi xảy ra trường hợp trên, rất nhiều người lao động có nguyện vọng tự đóng BHXH bao gồm cả phần thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và tiền lãi phát sinh cho quá trình tham gia BHXH chưa được đóng của họ để được giải quyết các chế độ BHXH. Do vậy, cần cụ thể thêm các phương án, tình huống để xem xét, quyết định hoặc giao lại Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn nội dung này.