Đảo Sơn Ca- điểm chốt trọng yếu tại Trường Sa
(BNP) - Sơn Ca là một đảo cát nhỏ thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo Sơn Ca nằm cách cảng Cam Ranh 331 hải lý (khoảng 613 km) về phía Đông. Đảo hình bầu dục, hẹp ngang, nằm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Chiến sĩ đảo Sơn Ca vững chắc tay súng (Nguồn Internet).
Đảo có chiều dài khoảng 450m, rộng chừng 102m, khi thủy triều xuống thấp nhất đảo cao từ 3,5-3,8m. Trên đảo có cây cối xanh tốt, nhiều cây sống lâu năm cành lá sum suê, rợp bóng mát rất thích nghi với điều kiện sinh sống của loài chim. Vì vậy, chim sơn ca thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca.
Nhìn trên bản đồ, đảo Sơn Ca rất gần đảo Ba Bình (đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa). Đảo Sơn Ca kết hợp với 2 đảo Nam Yết và Đá Thị tạo thành thế chân kiềng vững chắc. Ở hai đầu, đảo có doi cát lớn dài khoảng 60m, rộng trung bình 50m. Vị trí 2 doi cát này thay đổi theo mùa, phía Đông Bắc của đảo thường bị lở. Khắc phục hiện tượng đó, chúng ta đã xây kè chắn sóng kiên cố xung quanh đảo.
Do cấu tạo đất trên đảo là cát, san hô vụn, không có đất màu, không có nước ngọt nên việc trồng rau xanh gặp rất nhiều khó khăn. Không bó tay trước điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, cán bộ, chiến sĩ của đảo tích cực lao động cải tạo đảo cát. Đền đáp công sức lao động không ngừng nghỉ của bộ đội trên đảo Sơn Ca, đảo cát đã được thuần dưỡng thành mảnh đất màu mỡ cho nhiều loại cây, củ, quả, rau xanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bộ đội.
Cùng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Sơn Ca là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ. Nằm trong cụm Nam Yết, đảo Sơn Ca phối hợp với các đảo trong cụm và trong quần đảo tạo thành thế trận liên hoàn nơi biển khơi. Xung quanh đảo Sơn Ca, phía sát ngoài rìa của thềm san hô có nhiều loài cá và chim quý.
Thảm thực vật tại đây khá đa dạng và xanh tốt với các loài bàng vuông, muống biển, phi lao và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người mang từ đất liền ra. Vùng biển xung quanh đảo có nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao như: Cá chim, cá mú, cá ngừ, cá thu cùng các loài ốc và hải sâm. Chim chóc cũng thường ghé thăm đảo này, nhưng có lẽ nhiều nhất là loài chim sơn ca.
Khí hậu của đảo mang đặc trưng của khu vực Trường Sa với mùa hè mát và mùa đông ấm; mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 còn mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Nhiều tàu thuyền từ ven biển Việt Nam và các nước trong vùng đến đánh bắt, khai thác và chế biến hải sản trong mùa khô khi thời tiết thuận lợi. Mùa sóng yên biển lặng, tàu thuyền của các địa phương ven biển Việt Nam và các nước trong khu vực đến đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản tương đối đông đúc.
Trong những năm qua, cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn vùng trời, vùng biển quê hương. Trên đảo Sơn Ca, ngoài các công trình quân sự còn có ngọn hải đăng với nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền qua lại. Đây là ngọn đèn biển có vị trí chiến lược trên con đường hàng hải quốc tế, cũng là sự khẳng định chủ quyền và vai trò của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Với những thành tích đã đạt được trong huấn luyện, chiến đấu và bảo vệ ngư dân, đảo Sơn Ca đã nhận được nhiều danh hiệu, cùng các phần thưởng khác của Đảng, Nhà nước và quân đội, xứng đáng là điểm chốt trọng yếu tại Trường Sa, là tiền đồn của Tổ quốc nơi đầu sóng./.