Đẩy mạnh phát triển sản xuất thủy sản, chăn nuôi những tháng cuối năm 2021
(BNP) - Nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ, với phương châm vừa chống dịch quyết liệt, vừa phát triển sản xuất, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của ngành Nông nghiệp năm 2021, tại văn bản số 2324/UBND-NN, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo phát triển sản xuất thủy sản, chăn nuôi những tháng cuối năm 2021.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông của HTX Thủy sản Chiến Thắng (xã Đức Long, huyện Quế Võ).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về đẩy mạnh phát triển sản xuất thủy sản, chăn nuôi trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung kiểm soát điều kiện sản xuất, chất lượng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, xác nhận mã số đăng ký cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; điều kiện cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo phân cấp.
Tiếp tục có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông sản và trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tạo điều kiện cho việc kiểm dịch động vật, vận chuyển, lưu thông động vật, sản phẩm động vật, các loại thuốc, vắc xin, thức ăn cho động vật và vật tư đầu vào phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật và chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn tham gia hỗ trợ thu mua, vận chuyển, tạm trữ thủy sản. Thống kê các chuỗi sản phẩm thủy sản có sản lượng lớn (qua các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản...); phối hợp với các địa phương có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm để thiết lập và duy trì các kênh phân phối sản phẩm thủy sản, đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.
Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19 theo quy định của Chính phủ và của địa phương tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả. Xem xét ưu tiên tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho lực lượng thú y để chủ động trong công tác kiểm tra, hướng dẫn, tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch và tổ chức sản xuất tại thực địa.
Tiếp tục đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản, nhất là phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao và các loài thủy sản bản địa để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên. Hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng, chống, ứng phó với thiên tai, bão, lũ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, khuyến cáo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, ứng phó khi môi trường nuôi có diễn biến bất lợi.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đẩy mạnh việc tổ chức xây dựng các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín; cơ sở, vùng, chuỗi sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, tiêu độc tại các khu vực nuôi và khu vực nguy cơ cao (chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm...) để tiêu diệt các loại mầm bệnh ngoài môi trường. Tổ chức tiêm vắc xin cho đàn vật nuôi để chủ động phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tai xanh..., bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng 80% tổng đàn thuộc diện tiêm.