Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Đô và khu lăng mộ các vị vua triều Lý
(BNP) - Đền Đô và khu lăng mộ các vị vua triều Lý (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn) được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2014. Nơi đây cũng là một trong những điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Về với vùng quê Kinh Bắc - Bắc Ninh, du khách không thể không đến thăm quan, dâng hương tưởng nhớ công ơn các vị vua triều Lý.
Nằm trên địa bàn khu phố Thượng, phường Đình Bảng, Đền Đô có tên là Cổ Pháp điện nơi thờ tám vị vua nhà Lý, nên cũng được gọi là đền Lý Bát Đế.
Đền Đô được vua Lý Thái Tông cho xây vào năm 1030, trải qua thời gian đền nhiều lần được trùng tu vào các thế kỷ sau đó. Năm 1952 đền Đô bị thực dân Pháp phá hủy hoàn toàn, đến năm 1989 được phục dựng lại…
Đền Đô được nhìn từ trên cao, được xây dựng trên diện tích khoảng hơn 31.000m2, bao gồm 21 hạng mục công trình chính như: Cửa Rồng, nhà Phương đình, khu Văn chỉ, Võ chỉ, hậu cung, nhà chuyển bồng, nhà tiền tế, nhà lưu niệm, nhà khách, hồ bán nguyệt…
Ngay trước khu vực cổng Đền Đô là bức cuốn thư lớn “Chiếu dời đô” bằng gốm phủ men cô ban, gồm 214 chữ, ứng với 214 năm trị vì của 8 đời vua nhà Lý, được hoàn thành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Phía trước Đền là hồ bán nguyệt rộng 9.500m2, xung quanh kè đá xanh, ở giữa là nhà thủy đình (nhà rối). Nhà thủy đình đền Đô xưa đã được ngân hàng Đông Dương thời thuộc Pháp chọn làm hình ảnh tiêu biểu in trên tờ giấy bạc 5 đồng, nay lại được in trên mặt đồng tiền kim loại 1000 đồng, như một danh thắng văn hóa tiêu biểu…
Cổng vào khu Đền nội gọi là Ngũ Long Môn (cửa Rồng) với năm bức chạm khắc rồng bằng đá rất công phu.
Trung tâm của Khu nội thành cũng là trung tâm Đền (chính điện). Chính điện gồm nhà Phương đình (nhà vuông) 8 mái 3 gian rộng đến 70 m².
Tượng đức vua Lý Thái Tổ và vua Lý Huệ Thông. Phía sau ngôi chính điện là nhà hậu cung rộng 220 m2, nơi đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý.
Bên phải là đền Vua Bà (thờ Lý Chiêu Hoàng, còn gọi là đền Rồng).
Đền còn lưu giữ được bia đá “Cổ Pháp Điện Tạo Bi” do Tiến sỹ Phùng Khắc Khoan soạn dựng năm Giáp Thìn (1605) để ghi lại sự kiện lịch sử nhà Lê xây dựng lại Đền và ghi công đức của các vị vua triều Lý.
Bên phải là Nhà lưu niệm - nơi lưu giữ những tư liệu quý về Đền Đô và các vị vua triều Lý.
Bên trái là nhà khách…
Sân Đền Đô có giếng cổ (giếng Ngọc) được phát hiện khi khởi công xây dựng lại Đền.
Nhà Văn chỉ (nhà thờ quan văn), gồm 3 gian chồng diêm rộng nằm bên trái khu nội thành thờ Tô Hiến Thành và Lý Đạo Thành, những quan văn đã có công lớn giúp nhà Lý.
Nhà Võ chỉ (nhà thờ quan võ) có kiến trúc tương tự nhà Văn chỉ, ở bên phải khu nội thành thờ Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc là những quan võ tài lược…
Nằm cách Đền Đô khoảng hơn 2km, khu lăng mộ các vị vua triều Lý, còn gọi là Thọ lăng Thiên Đức hay khu sơn lăng cấm địa thuộc khu phố Cao Lâm, phường Đình Bảng, xưa là rừng cây báng…
Nơi đây gồm lăng của tám vị vua triều Lý và lăng Lý Thánh Mẫu, lăng Nguyên phi Ỷ Lan và lăng Lý Chiêu Hoàng.
Lăng vua Lý Thái Tổ (còn gọi là lăng Lòng chảo).
Đường lên Lăng vua Lý Thánh Tông phủ đầy rêu phong và rợp bóng cây... Các lăng hầu hết được xây dựng trên các gò đất cao, xung quanh có cây cối, hồ nước thoáng mát, xa xa là đồng ruộng của người dân địa phương…
Lăng vua Lý Thánh Tông.
Lăng Nguyên Phi Ỷ Lan. Theo lời di huấn của đức vua Lý Thái Tổ trước khi băng hà, không được xây lăng bằng gạch đá để khỏi hao tốn của công mà chỉ đắp bằng đất...
Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ. Nhà Lý (1010 - 1225), lấy quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 1010 dời đô về Thăng Long, đến năm 1054 đổi quốc hiệu là Đại Việt. Đây là một trong những triều đại vẻ vang nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Hàng ngày, nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đến thăm quan, dâng hương tại Đền Đô và khu lăng mộ các vị vua triều Lý để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và mọi điều tốt đẹp nhất.