Đền Cổ Lũng (Đền Đình Cả)

21/11/2022 08:00

(BNP) - Đền Cổ Lũng (Đền Đình Cả) là công trình văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương, vốn được khởi dựng lâu đời để tôn thờ, tưởng niệm Phạm Ban tướng công và Lý Hồng Nương công chúa. Qua thời gian, đền bị xuống cấp và đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo.

Cổng Đền Cổ Lũng.

Theo tư liệu để lại, Phạm Ban là người địa phương, văn võ song toàn. Ông là người có công đại phá quân Chiêm Thành và giặc Chà Và (Xiêm La), được vua Lý Thái Tông cử đi trấn thủ vùng đất Thanh Hóa - Nghệ An. Do có nhiều công lao, nhà vua phong chức tước và gả công chúa Hồng Nương cho ông. Hai vợ chồng ông về quê mở tiệc khao dân.

Nhà Tiền đường 3 gian.

Các hàng cột cơ bản là gỗ lim, kết cấu đơn giản.

Về sau cả 2 cùng mất tại đất Cổ Lũng. Vua Lý thương tiếc và làm lễ mai táng chu tất, cho phép dân làng lập miếu đền thờ cúng, hàng năm đều phong sắc cho dân phụng thờ.

Đền Hạ 3 gian.

Gian thờ chính trong đền.

Trải nhiều thế kỷ, Đền Cổ Lũng hiện còn các công trình: Tam môn, Tiền đường, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và nhà Tạo soạn.

Nhà Tạo soạn.

Tiền đường gồm 3 gian làm theo lối thượng tam hạ tứ, hai hàng cột quá giang tường. Phía trước nhà Tiền đường đóng cửa bức bàn thông cả ba gian, xây đắp cột đồng trụ, cánh phong mái giả ngói ống.

Hoành phi thế kỷ XIX.

Đền Hạ 3 gian, kết cấu vì kèo theo lối kẻ chuyền giá chiêng, chống nóc, bốn hàng cột thượng tam hạ tứ vật liệu cơ bản là gỗ lim, mái lợp ngói ta.

Bộ chấp kích thế kỷ XX.

Đền Trung gồm 3 gian, bộ khung gỗ, kiến trúc đơn giản. Đền Thượng 3 gian, kiến trúc kiểu chồng rường giá chiêng, các hàng cột được liên kết với nhau bởi các bộ vì.

Các sắc phong tại đền.

Hội đền được tổ chức cùng với hội làng, vào ngày 12, 13 tháng Giêng. Những nghi thức và tục trò truyền thống vẫn được chính quyền và nhân dân tổ chức trang nghiêm.

Ngai thế kỷ XX.

Bài vị thế kỷ XX.

Bên cạnh đó còn có các hình thức văn hoá mới như: bóng chuyền, cầu lông, thể dục dưỡng sinh, câu lạc bộ thơ, hát quan họ… đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương hướng về cội nguồn, đoàn kết cộng đồng dân tộc, phát huy những truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục của quê hư­ơng.

Đền Cổ Lũng (Đền Đình Cả) được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, Quyết định số 74-VH/QĐ, ngày 02/02/1993.

A.T