Đến hẹn lại về với Hội Lim

19/02/2016 15:18
(BNP) - Hội Lim mở vào dịp đầu xuân - 13 tháng Giêng, tụ hội quý khách khắp mọi miền trong nước và nước ngoài tới dự, trở thành lễ hội lớn, mang tính Quốc gia.

 

Liền anh, liền chị hát quan họ trên thuyền rồng tại Hội Lim.

Theo dòng lịch sử dân tộc, từ xưa (đầu thế kỷ thứ XVIII), vào dịp rằm tháng Tám hàng năm, các làng, xã trong tổng Nội Duệ bao gồm: Nội Duệ (gồm Đình Cả và Lộ Bao), Nội Duệ Khánh, Nội Duệ Nam, Lũng Giang, Xuân Ổ và giáo phường (phường hát) Tiên Du, đều tổ chức tế lễ, rước thần và hát xướng ở đình làng. Sau nhờ quận công Đỗ Nguyên Thụy - Viên quan người Đình Cả mà hội tế thần hát xướng của các làng, xã thành hội làng tổng.

Vào cuối thế kỷ XVIII, tướng công Nguyễn Đình Diễn – Viên quan người làng Đình Cả và Bồ đề ni – tục gọi mụ Ả, đã cấp ruộng và cung tiến cho các xã trong tổng sửa chữa đình chùa, mở mang tập tục và chuyển từ lễ hội cầu phúc hàng tổng vào rằm tháng Tám sang hội chùa, hội chạ vào đầu xuân – 13 tháng Giêng. Hội xuân Quan họ vùng Lim bắt đầu từ đó.

Lễ hội Lim được duy trì hàng năm, trở thành nhu cầu được tới tham dự, thưởng thức của nhân dân trong nước và quý khách nước ngoài bởi sự hấp dẫn đặc biệt của hội Lim. Lễ hội diễn ra trong không khí trang nghiêm, sùng kính. Dân các làng thuộc tổng Nội Duệ từ các ngả rước kiệu, với cờ, biển, tán, lọng, siêu đao, bát biểu… kéo lên đỉnh đồi Lim, tổ chức tế lễ tưởng niệm các danh thần quê hương; rồi các tín đồ, khách thập phương, nhân dân vào chùa Hồng Ân dâng cúng Phật, cúng bà mụ Ả…

Cả không gian làng xóm, phố chợ, đường xá, đồi gò tràn ngập, rực rỡ màu cờ sắc áo, âm vang tiếng nhạc, tiếng trống, bạt ngàn người chen nhau trẩy hội, với nhiều trò vui như vật, chọi gà, đu, đấu cờ, thi làm cỗ, thi dệt vải… Hấp dẫn và cuốn hút nhất là sinh hoạt văn hóa Quan họ trong ngày hội, nhất là các canh hát Quan họ. Cuộc hát diễn ra ở trong nhà, trước cửa chùa, ven sườn đồi, trên những thuyền thúng dưới giữa ao, hồ, bồng bềnh trên dòng Tương Giang xưa. Hàng trăm làn điệu Quan họ được các liền anh, liền chị Quan họ ca lên, nhằm giãi bày tình yêu của người Quan họ với đủ các trạng thái, cung bậc của tình cảm: yêu nhau, thương quý nhau, lo lắng, nhớ nhung, hẹn ước, khắc khoải chờ mong, nhắn gửi nhau giữ vẹn lòng chung thủy, trân trọng ân nghĩa giữa người với người.

Ngày nay, hội Lim đã từng bước được đổi mới trên cơ sở giữ gìn và kế thừa bản sắc của hội Lim xưa. Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và thể thao được tổ chức tại hội Lim: biểu diễn phục vụ của Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh và nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các làng quan họ trong vùng tổ chức dựng trại hát giao lưu với nhau và với quý khách về dự hội. Nhiều trò vui dân gian của hội Lim xưa được khôi phục như đu tiên, cờ người, tổ tôm điếm, thi dệt vải… cùng nhiều hoạt động văn hóa thể thao như đấu bóng chuyền, cầu lông, vật, chọi gà…Tham gia tổ chức lễ hội không chỉ có nhân dân vùng Lim, mà cả nhân dân các làng quan họ, cuốn hút hàng chục vạn quý khách trong nước và nước ngoài cùng tham dự. Vì vậy, hội Lim ngày nay càng hấp dẫn, trở thành lễ hội mang tính quốc gia, là sinh hoạt văn hóa cộng đồng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Về với hội Lim là một dịp về với một vùng nước non kỳ thú, về với sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc nhất của Kinh Bắc - Bắc Ninh, là một dịp được tham dự sinh hoạt văn hóa quan họ - loại dân ca đạt tới đỉnh cao của thi ca và âm nhạc. Có thể coi hội Lim là thời khắc phô diễn rực rỡ và tập trung tinh hoa văn hóa dân tộc Việt trên vùng quê Bắc Ninh - Kinh Bắc. Vì vậy, nếu quý khách đã một lần “đi trẩy hội Lim”, hẳn sẽ đến hẹn lại lên./.  
P.V