Bắc Ninh – Vùng quê của lễ hội

16/02/2016 08:26
(BNP) - Bắc Ninh là quê hương có nhiều lễ hội truyền thống, trong đó không ít lễ hội lớn có quy mô vùng miền và quốc gia. Lễ hội truyền thống Bắc Ninh là di sản quý và đặc sắc của nền văn hiến Kinh Bắc, không chỉ đậm đặc mà còn gìn giữ, chứa đựng nhiều nét đẹp truyền thống độc đáo.

 

Lễ hội truyền thống - Nét văn hóa đặc sắc của vùng Kinh Bắc.

Bắc Ninh có 547 lễ hội truyền thống diễn ra vào tất cả các mùa trong năm, chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Từ mồng 4 Tết, người ta đã rủ nhau đi hội Đồng Kỵ – lễ hội truyền thống của làng nghề hiện đang được coi là giàu có nhất vùng Kinh Bắc để được xem rước pháo vào đình. Nghi lễ rước pháo được tổ chức trang nghiêm, thu hút đông đảo người xem. Nếu như hội làng Đồng Kỵ thu hút một lượng lớn thanh niên thì hội chùa Phật Tích lại là lựa chọn của các bà, các chị. Đi hội chùa Phật Tích khách thập phương không chỉ được dự hội Khán hoa mẫu đơn mà còn có cơ hội du ngoạn những di tích đẹp. Vẫn còn đó tượng Phật A di đà bằng đá xanh hàng ngàn năm tuổi trong vị thế là một báu vật quốc gia. Tượng chim gandhura đầu người mình chim cho thấy dấu ấn của văn hoá Chăm – pa. Hàng linh thú bằng đá gốm sư tử, voi, tê giác, trâu, ngựa và những chạm khắc trên các chân tảng, những di vật còn lại của ngôi chùa cổ xưa cho thấy dáng dấp thâm nghiêm của văn hoá cung đình.
 
Hội làng Đồng Kỵ và hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích vừa kết thúc, ngày mồng 7, mồng 8 tháng Giêng âm lịch người ta lại hò nhau đi xem hội Đọ Xá. Nằm giữa lòng thành phố Bắc Ninh hôm nay vẫn duy trì được không ít lễ hội, với những giá trị truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội xuân khu Đọ Xá đã duy trì nét sinh hoạt đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước với hội thi nấu cơm niêu đất. Hội Lim truyền thống tổ chức vào ngày 12, 13, 14 tháng Giêng hàng năm không chỉ là niềm tự hào của nhân dân vùng Lim mà đã trở thành sinh hoạt đậm nét Bắc Ninh – Kinh Bắc. Nhắc đến hội Lim, người ta nhớ ngay đến một Bắc Ninh đằm mình trong những làn điệu Quan họ mượt mà, tình nghĩa. Khách thập phương tìm về hội Lim để được nghe hát Quan họ và tìm hiểu về sinh hoạt văn hoá Quan họ ở một lễ hội mang quy mô vùng miền.
 
Lễ hội truyền thống Bắc Ninh là hội làng. Xưa đa số các làng thôn ở Bắc Ninh là đơn vị xã. Hầu hết các làng xã đều có lễ hội riêng. Vì vậy, lễ hội cũng mang tên làng hay tên của di tích của làng, như hội làng Diềm hay hội Đền Bà Chúa Kho, hội Đền Đô, hội Chùa Phật Tích, hội đền làng Á Lữ, hội Đền Than, hội Thập Đình … Nhiều hoạt động văn hoá dân gian truyền thống được tổ chức tại lễ hội như: hát dân ca quan họ, múa rối nước, cờ người, tổ tôm, múa kỳ lân, đu quay, đánh vật, đập niêu, chọi gà, kéo co, thi dệt vải, cờ người, đu tiên …

Cũng có lễ hội có quy mô lớn, vượt ra ngoài khuôn khổ từng làng xã. Đó là hội chùa Đại Bi (Gia Bình) do các làng trong xã Vạn Tự xưa phối hợp tổ chức. Lễ hội đền Than (Cao Đức, Gia Bình) do 7 làng thờ Đức Cao Lỗ Vương cùng nhau tiến hành; rồi hội “Thập Đình” ở Bảo Tháp xã Đông Cứu là của mười làng cùng thờ Đức Doãn Công – Đào Nương là hai vợ chồng và là tướng của Hai Bà Trưng; hội Lim là hội của các làng thuộc tổng Nội Duệ xưa, hội Dâu là hội của các làng thuộc tổng Khương Tự…. Các hội trên, do các làng cùng phối hợp tổ chức một số hoạt động chung như rước sách, tế lễ, nhưng ở từng làng xã vẫn có những sinh hoạt văn hóa và tâm linh riêng theo truyền thống, phong tục tập quán của từng làng xã, vì vậy tính chất hội làng vẫn được bảo lưu và thể hiện rất rõ, phản ánh những nét chung trong phong tục, truyền thống sinh hoạt văn hóa và đời sống tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo của cư dân trong vùng.
 
Đến với những lễ hội truyền thống Bắc Ninh là cơ hội để du khách trẩy hội và có thêm thời gian tìm hiểu sâu về những phong tục, nghi lễ cổ vẫn được nhân dân các địa phương truyền giữ, tái hiện trong nhiều lễ hội truyền thống ở vùng đất Kinh Bắc mỗi độ xuân về.
L.T