Đền Khả Lễ
(BNP) - Đền Khả Lễ, khu Khả Lễ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh vốn được khởi dựng từ lâu đời và được trùng tu mở rộng với quy mô lớn dưới thời Lê Trung Hưng. Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đình đã bị phá dỡ. Năm 2002, đình được xây dựng lại với quy mô và mang dáng vẻ kiến trúc truyền thống.
Đền Khả Lễ có kiến trúc hình chữ Nhị.
Đền Khả Lễ thờ thành hoàng là các danh tướng nhà Trần: Chính Trực, Nghiêm Trị và Quảng Pháp.
Cổng đền Khả Lễ.
Lai lịch và công trạng của các vị có thể tóm tắt như sau: Xưa ở xứ Thanh Hóa có hai vợ chồng họ Phùng ăn ở hiền lành, luôn làm việc thiện nhưng đã nhiều tuổi mà chưa có con. Một buổi, người vợ lên núi lấy củi và vào nghỉ tại một ngôi chùa, bỗng mơ màng thấy có một con rắn vàng lớn quấn quanh mình. Bà tỉnh dậy thấy cảm động lạ thường và mang thai. Vào ngày 6 tháng Giêng năm Quý Tỵ, bà sinh được ba người con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Chính Trực, Nghiêm Trị và Quảng Pháp.
Cột trụ lồng đèn trang trí hình tứ linh.
Bấy giờ, quân Nguyên – Mông sang xâm lược nước ta, vua Trần ban chiếu tìm người tài giỏi ra cứu nước. Các ông đều tham gia ứng thí và được chọn để cầm quân đi đánh giặc. Ba ông cầm quân đến huyện Tiên Du, đạo Kinh Bắc, khi đến trại Khả Lễ thấy thế đất ở đây rồng chầu hổ phục bèn lệnh cho binh sĩ dựng đồn sở để ứng phó với giặc. Sau đó, các ông nhận lệnh tiến quân đến vùng cửa sông Bạch Đằng để cùng hợp quân và đã đại phá được quân giặc.
Nét kiến trúc chạm khắc tinh xảo trong đền.
Sau chiến thắng, các ông được phong thưởng và lại đem quân về đồn sở ở trại Khả Lễ. Một hôm, các ông không bệnh mà hóa. Nhà vua đã về bản trại làm lễ, gia phong 3 vị làm Thần và lệnh cho địa phương phụng thờ mãi mãi, đồng thời phong cho các Thần mỹ tự.
Bên trong gian thờ chính tại đền.
Hiện đền Khả Lễ có kiến trúc hình chữ Nhị gồm các công trình: Tiền tế 3 gian, bộ khung gỗ, quá giang gác tường, phía trước xây cột trụ lồng đèn trang trí hình tứ linh, phía sau để thông lên Hậu cung. Hậu cung 3 gian, bộ khung gỗ, vì nóc kết cấu kiểu “con chồng giá chiêng”, trên các bộ phận như con rường, bẩy, cốn... được chạm khắc hoa lá cách điệu nghệ thuật.
Hoành phi thế kỷ XX.
Chuông “Khả Lễ đình sở” thời Nguyễn (Thành Thái 13 - 1891).
Các hiện vật tiêu biểu: 01 ngai thờ thời Nguyễn; 01 ngai thờ thế kỷ XX; 01 chuông “Khả Lễ đình sở” thời Nguyễn (Thành Thái 13 - 1891); 01 bia đá đã mờ chữ; 02 đôi câu đối thế kỷ XX; 02 hoành phi thế kỷ XX…
Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh.
Lễ hội truyền thống hàng năm của đền Khả Lễ được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Trong những ngày hội có nhiều trò chơi đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân như hát Quan họ, tuồng, chèo, đu cây, thi vật, bóng chuyền, bóng đá... đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia, hướng về nguồn cội.
Thuỷ đình tại khuôn viên đền, đình Khả Lễ.
Đền Khả Lễ được xếp hạng là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2009 tại Quyết định số 1489/QĐ – UBND.