Đền thờ Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo
(BNP) - Đền thờ Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo (thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão) là công trình được khởi dựng từ thời Lê, trùng tu tôn tạo lớn vào thời Nguyễn. Ông sinh ra, lớn lên, được nuôi dạy ăn học tại đây. Sau khi Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo mất, con cháu dòng tộc đã tu sửa làm nơi thờ phụng.
Cổng vào Đền thờ Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo.
Nguyễn Đăng Cảo là người xã Hoài Bão, nay là thôn Hoài Thượng, xã Liên Bão, huyện Tiên Du. Theo “Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh” ghi chép: Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo từ nhỏ đã có kỳ tài, sách kinh truyện chỉ liếc qua một lần là nhớ, người đời tán tụng là thần đồng.
Nguyễn Đăng Cảo dự thi ở huyện, 3 kỳ đều đứng đầu, sau thi tỉnh đỗ đầu kỳ thi Hương. Năm 28 tuổi, ông đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (Thám hoa) khoa Bính Tuất, niên hiệu Phúc Thái 4 (1646) đời vua Lê Chân Tông.
Cổng đền được trang trí kiến trúc kiểu chữ Thọ.
Năm 1653, Nguyễn Đăng Cảo soạn văn bia “Thuận Bình lục niên Giáp Dần Chế khoa đề danh ký”, ghi chép về việc mở Chế khoa thi Tiến sĩ, năm Giáp Dần, niên hiệu Thuận Bình thứ 6.
Cuối đời, ông về quê vui cảnh điền viên và mở trường dạy học, học trò đến theo học rất đông. Đặc biệt, Nguyễn Đăng Cảo có ảnh hưởng rất lớn, đồng thời là người trực tiếp nuôi dạy, rèn cặp người cháu ruột Nguyễn Đăng Đạo để sau đó trở thành “Lưỡng quốc trạng nguyên” - làm rạng rỡ dòng họ Nguyễn Đăng và quê hương làng Bịu.
Trải qua thời gian, Đền thờ Nguyễn Đăng Cảo đã được tu sửa nhiều lần. Năm 2002, xây dựng cổng đi, kiến trúc tứ trụ, một lối đi ở giữa; năm 2016, trùng tu Đền chính. Đến nay, Đền thờ có kiến trúc kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai cột trụ cánh phong”. Kết cấu chịu lực được làm bằng gỗ xoan, gồm 4 bộ vì tạo thành 3 gian, 2 dĩ.
Đền thờ mở cửa đi phía trước ở cả 3 gian, mỗi gian gồm 4 cánh cửa ghép vào nhau kiểu “bức bàn”, chạm khắc “tứ linh, tứ quý”.
Hai bộ vì gian giữa có 4 hàng chân cột, kết cấu vì nóc kiểu “chồng rường”. Bờ nóc trang trí hoa chanh, trụ đấu, các thành phần khác bào trơn đóng bén, gờ chỉ đơn giản.
Di tích là nơi thờ tôn nghiêm của con cháu trong gia tộc và dòng họ Nguyễn Đăng đối với Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo. Đồng thời, cũng là nơi giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học, khoa bảng của dòng họ Nguyễn Đăng, nhân dân Hoài Thượng Liên Bão trên quê hương Tiên Du, Bắc Ninh.
Bài ký bia Tiến sỹ tại Đền thờ.
Câu đối bên trong Đền thờ.
Hàng năm, vào ngày giỗ chung họ Nguyễn Đăng (vào ngày 28 tháng Hai âm lịch), con cháu trong họ lại tập trung tại Đền thờ để dâng hương hoa lễ vật, cúng tế và các vị thủy tổ, truyền kể cho nhau nghe gương sáng của tổ tiên, nguyện đoàn kết phát huy truyền thống của dòng họ trong việc làm ăn học hành và xây dựng cuộc sống.
Đền thờ Nguyễn Đăng Cảo được xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia năm 1994.