Đình Đại Tảo
(BNP) - Đình Đại Tảo (thôn Việt Đoàn, huyện Tiên Du) được khởi dựng vào thời Lê (1729). Trải qua thời gian, nhân dân trùng tu lại tòa Đại Đình và xây thêm tòa Tiền tế, hai dãy Tả vu, Hữu vu, sân vườn, tường bao xung quanh. Trong quá trình tôn tạo, nhân dân địa phương đã tuân thủ đúng theo lối kiến trúc truyền thống, công trình vừa thanh thoát, vừa thâm nghiêm, có giá trị về kiến trúc nghệ thuật.
Cổng Đình Đại Tảo.
Đình Đại Tảo thờ 2 vị thành hoàng là: Bà chúa Quả Cảm và Tiến sĩ Nguyên Súy Cao Hiển. Bà chúa Quả Cảm là người có công giúp vua Trần Anh Tông chăm lo và mở mang việc sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, gốm sứ. Bà đã về quê tại làng Quả Cảm - Thượng Đồng (thành phố Bắc Ninh) khuyến khích nhân dân khôi phục và duy trì nghề làm gốm cổ truyền.
Tòa Đại đình.
Hệ thống cửa gỗ chắc chắn.
Tiến sĩ Nguyên Súy - Cao Hiển xuất thân từ nơi thôn dã, thi đỗ tiến sĩ đời vua Lê Tương Dực. Ông đã có nhiều công lao giúp nước cứu dân dẹp loạn, chỉ trong một tuần lễ là thành công, cứu giúp nhân dân tránh khỏi nạn binh đao. Khi mất, ông được nhà vua phong mỹ tự là Cao sơn Đại Vương và cho thờ ông ở đình làng nơi ông đã đi qua dẹp loạn.
Gian thờ chính trong đình.
Bức hoành phi.
Đình Đại Tảo hiện tọa lạc ở giữa trung tâm của thôn, diện tích 1.304m2, mặt đình quay hướng Đông Bắc, trước đình là đường liên thôn và cánh đồng rộng lớn, không gian thoáng đãng, xung quanh là khu dân cư sinh sống đông đúc.
Đỉnh nóc đình đắp hình lưỡng long chầu nguyệt.
04 mái đao cong.
Hiện đình Đại Tảo có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm: Đại đình 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong. Toàn bộ hệ chịu lực bằng gỗ, vì nóc kiểu con chồng giá chiêng, trên các con rường, xà, bào trơn đóng bén. Trên đỉnh nóc đình đắp hình lưỡng long chầu nguyệt.
Các con rường, xà, bào trơn đóng bén.
Hậu cung 1 gian, mái đổ bê tông cốt thép.
Ngai thờ và bài vị thế kỷ XX trong Hậu cung.
Hòm sắc thế kỷ XX.
Vào ngày đình đám làng, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 10/1, định lệ 3 năm mở hội 1 lần. Tối 9/1, phụ nữ dâng hương. Sáng 10/1, lễ rước phụng nghinh từ đình đến đền Đại Tảo, tổ chức tế lễ ở đền sau đó lại rước về đình an vị.
Bia đá khắc năm 1810.
Bộ bát biểu gỗ sơn thế kỷ XX.
Mâm vuông thời Nguyễn.
Đình Đại Tảo là nơi lưu giữ nhiều sự kiện lịch sử dân tộc, nhiều kỷ niệm của các thế hệ người dân trong suốt quá trình phát triển. Đình hiện còn bảo lưu được một số hiện vật mang nhiều giá trị về lịch sử văn hóa.
Khuôn viên đình rộng rãi, có nhiều cây xanh mát.
Bức bình phong tại đình.
Tượng Quan thế Âm Bồ tát.
Cùng lễ hội truyền thống và các hoạt động tâm linh tín ngưỡng đã góp phần bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng tình đoàn kết cộng đồng dân cư.
Đình Đại Tảo đã được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 2002.