Đình Đáp Cầu

07/09/2022 08:00

(BNP) - Đình Đáp Cầu nằm ở khu 5, phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh. Qua khảo sát di tích và các tư liệu hiện vật còn lưu giữ, đình Đáp Cầu được khởi dựng từ thời Lê, sau đó được tu bổ vào thời Nguyễn.

Tòa Đại đình.

Đình Đáp Cầu có diện tích gần 1.800m2. Tòa Đình chính có kiến trúc kiểu chữ Công gồm Đại đình 7 gian, Ống Muống 2 gian, Hậu Cung 3 gian, đình quay hướng Tây Nam.

Cổng đình Đáp Cầu.

Đền thờ Hoàng Quốc Việt trong khuôn viên di tích.

Tượng đài Anh hùng Liệt sỹ trong khuôn viên di tích.

Trong đó, tòa Đại Đình là công trình kiến trúc cổ từ thời Hậu Lê còn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Đại đình có quy mô 5 gian 2 chái, kiến trúc kiểu 4 mái 4 đao cong, bờ nóc xây trát đơn giản, kìm nóc có họa tiết hoa văn hình dải cuộn, mái lợp ngói mũi di cổ, cửa mở 5 gian giữa kiểu thượng song hạ bản, gian chái trổ cửa chữ Thọ vuông.            

Bia đá cổ được khắc dựng vào các năm 1905, 1926.

Tòa Hậu Cung được xây dựng vào thời Nguyễn, có quy mô 1 gian 2 chái kiến trúc kiểu 4 mái 4 đao cong. Bộ khung tòa Hậu Cung gồm 4 hàng cột dọc 4 hàng cột ngang, gồm 2 bộ vì chính, sử dụng chất liệu truyền thống (gỗ Lim); kết cấu vì nóc kiểu chồng rường giá chiêng, vì nách ván mê chạm triện dây. 


 

Phong cách kiến trúc nghệ thuật chạm khắc thời Lê Mạc.

Phía trước Đình chính còn có tòa Phương đình, là công trình được xây dựng về sau, công trình có cấu trúc kiểu hình vuông, kiến trúc kiểu bốn mái đao cong gồm 4 cột cái, hai bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng, bào trơn không chạm khắc trang trí.

Tượng thờ đức thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) đặt ở Hậu cung.

Đình Đáp Cầu thờ đức thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) – các ngài vốn sinh ra ở làng Vân Mẫu trong gia đình có 5 anh em là (Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và em gái Đạm Nương). Khi lớn lên các ngài theo Triệu Quang Phục đánh giặc Lương ở thế kỷ VI. Quang Phục mất, Lý Phật Tử chiếm ngôi. Anh em Trương Hống, Trương Hát không chịu khuất phục nên đã từ quan về ở ẩn. Lý Phật Tử nhiều lần cho người mời các ông ra làm quan, nhưng các ngài nhất định từ chối. Bị bức bách quá, các ngài đưa cả nhà lên vùng Đu Đuốm đến ngã ba xà thì đục thuyền tuẫn tiết vào ngày mồng 10 tháng 4. Các ngài được 372 làng từ thượng Đu Đuốm đến hạ Lục Đầu thờ làm thành hoàng làng, trong đó có đình Đáp Cầu.

Bức đại tự có niên đại 1902.

Ngai thờ thời Nguyễn.

Bộ chấp kích.

Đạo sắc phong được Vua ban vào năm 1924.

Hiện nay, đình Đáp Cầu còn bảo lưu được một số tài liệu hiện vật có giá trị như ngai thờ thời Nguyễn cùng rất nhiều đồ thờ tự như lư hương, hoành phi, chân nến, mâm bồng. Đặc biệt 02 đạo sắc phong được Vua ban vào năm 1924, 02 bia đá được khắc dựng vào các năm 1905, 1926.

Trong khuôn viên đình có nhiều cây cổ thụ, tạo cảnh quan và bóng mát cho di tích.

Đình Đáp Cầu là công trình tín ngưỡng văn hóa tiêu biểu của nhân dân địa phương. Kiến trúc nghệ thuật của đình Đáp Cầu chủ yếu là nghệ thuật thời Lê Mạc. Phong cách kiến trúc nghệ thuật chạm khắc; chủ đề, nội dung các mảng chạm khắc ở đây đã phần nào phản ánh hoàn cảnh xã hội đương thời.


Lễ hội đình Đáp Cầu được tổ chức cùng với hội chùa vào ngày14, 15 tháng Giêng hàng năm. Đình Đáp Cầu được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia tại Quyết định số 188 QĐ/BT, ngày 13/2/1995.

H.H