Đình Bà Khê
(BNP) - Đình Bà Khê, xã Phú Hoà, huyện Lương Tài được khởi dựng từ thế kỷ XVII. Năm 1950, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, đình đã bị hạ giải hoàn toàn. Sau hoà bình lập lại, nhân dân góp công, góp của phục dựng lại đình trên nền xưa đất cũ theo kiến trúc cổ truyền.
Cổng đình Bà Khê.
Đình Bà Khê thờ 3 vị thành hoàng làng là: Bản hộ đô thống Sát Hải đại vương, Phương Dung Gia Hạnh công chúa, Đô Thiên Cây Gạo đại vương. Các Ngài có công phò giúp vua Hùng dẹp giặc: Xích Quỷ, Giao Long, chống quân Tống – Nguyên phương Bắc và giặc Triệu Đà. Sau khi hóa, các Ngài còn âm phù vua các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần cứu nước, cứu dân. Do vậy, trải các triều đại phong kiến, các Ngài nhiều lần được vua ban sắc phong và nhân dân Bà Khê đã lập nơi để tôn thờ, hương khói trường tồn.
Toà đại đình.
Đình thờ 3 vị thành hoàng làng.
Hoành phi có chất liệu gỗ sơn thếp.
Các mảng chạm khắc nghệ thuật.
Đình Bà Khê có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm tòa Đại đình và Hậu cung. Đại đình 3 gian, 2 chái, 4 mái đao cong. Đại đình có các bộ vì, mỗi một bộ vì gồm 4 hàng chân cột. Hai bộ vì gian giữa có kết cấu bộ vì nóc theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu “vì ván mê - cốn”. Hai bộ vì gian bên có kiến trúc kiểu “Thượng cốn ván mê” chạm nổi hình hổ phù lớn, hạ xà lách con chồng. Nối phía sau gian Hậu cung kiến trúc đơn giản kiểu thức kèo kìm, bào trơn không chạm khắc. Nền đình nát gạch vuông.
Các hiện vật tiêu biểu: 01 bộ bát biểu, 01 bộ long đình, 01 bảng văn, 01 bộ tráp y phục với chất liệu gỗ sơn thếp có niên đại thời Nguyễn; 01 bia đá có niên đại thời Nguyễn; 02 hoành phi, 03 đôi câu đối, 01 bài vị, với chất liệu gỗ sơn thếp có niên đại thế kỷ XXI, 01 đỉnh đồng, 01 mâm đồng với chất liệu đồng có niên đại thế kỷ XXI.
Bia đá trong khuôn viên đình.
Trải qua thăng trầm lịch sử, đình Bà Khê luôn là trung tâm tín ngưỡng quan trọng của dân làng, nơi lưu giữ được rất nhiều cổ vật thời Lê- Nguyễn. Đây là những tài liệu vô cùng quý giá giúp cho việc tìm hiểu lịch sử quê hương đất nước.
Một góc Đình Bà Khê.
Đình Bà Khê được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 143/QĐ-CT ngày 29/01/2003.