Đình Diên Lộc, xã Đại Bái, huyện Gia Bình

13/03/2020 07:30

(BNP) - Đình Diên Lộc là nơi thờ tổ nghề gò dát đồng Nguyễn Công Truyền và các vị hậu tiên sư: Nguyễn Viết Lai, Nguyễn Xuân Nghĩa, Vũ Viết Thái, Phạm Ngọc Thanh, Nguyễn Công Tâm, đây là những người có công mở mang và phát triển nghề gò đồng truyền thống.

Đình Diên Lộc.

Đình Diên Lộc nằm ở giữa xóm Tây, đối diện với chợ Đại Bái, xã Đại Bái, huyện Gia Bình gồm các công trình kiến trúc như: cổng, sân và Đại đình hình chuôi vồ. Đại đình gồm 3 gian, 2 chái, 4 mái đao cong; hậu cung 1 gian 2 chái và 1 gian chuôi vồ, toàn bộ được làm bằng chất liệu hiện đại bê tông cốt thép, mái dán ngói ống, nóc đắp rồng chầu mặt nguyệt, các đầu đao được đắp vẽ rồng, phượng, bờ guột đắp nghê chầu.
 
Hậu cung là nơi đặt tượng tổ Nguyễn Công Truyền trong khám, bên cạnh là ban thờ đặt mũ, hia của thần làm bằng chất liệu đồng với kỹ thuật tinh xảo. Trước khám thờ là hương án chạm khắc đẹp, tiếp đến là bộ chấp kích, hai bên cột treo đôi câu đối, phía trên là bức cửa võng trang trí tinh xảo nghệ thuật với các đề tài tứ linh, tứ quý, bên trên treo những bức hoành phi nội dung ca ngợi công lao của tổ nghề và lòng biết ơn vô hạn của người dân như: “khai khoa chi tổ”, “trạch cập tư dân”, “công thuỳ vạn thế”…
 
Đình Diên Lộc còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật có giá trị như: 03 đạo sắc phong cho tổ sư Nguyễn Công Truyền (vào các năm: 1913, 1917, 1924), hệ thống hoành phi, câu đối, các đồ thờ tự bằng đồng rất tinh xảo nghệ thuật do chính bàn tay người thợ đồng Đại Bái làm ra… Trong số tài liệu cổ vật của Đình Diên Lộc, đặc biệt quý giá là pho tượng chân dung tổ nghề Nguyễn Công Truyền, đây là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đặc sắc thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ đồng Đại Bái.
 
Cũng như các công trình văn hoá tâm linh khác của làng, Đình Diên Lộc bị phá huỷ hoàn toàn trong kháng chiến chống Pháp, đến năm 1992, Đình được phục dựng trên nền xưa đất cũ theo dáng vẻ truyền thống và Tổ nghề Nguyễn Công Truyền lại được thờ phụng tại đây.
Tổng hợp