Đình làng Nội Viên
(BNP) – Đình làng Nội Viên (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du) được khởi dựng từ lâu đời. Trải quan thời gian, đình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được các công trình kiến trúc và đồ thờ tự có giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.
Cổng vào đình làng Nội Viên.
Căn cứ vào cuốn thần tích của đình Nội Viên soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) được sao lại năm Khải Định 4 (1919), thì đình là nơi thờ các thánh: Sơn Thần, Chiêu Quang, Uy Dũng.
Tòa Đại đình.
Rồng đá tại đình.
Tương truyền, Sơn Thần là vị thần báo mộng trợ giúp Thái úy Lý Thường Kiệt đánh giặc Tống và giặc Chiêm Thành. Sau khi đất nước được thanh bình, quốc gia vô sự yên hưởng thái hòa, Thái úy Lý Thường Kiệt làm biểu tâu vua về việc thần phù giúp ở trang Nội Viên, vua ban sắc phong cho thần là bản cảnh thành hoàng Tài trí hùng uy linh ứng đại vương, tặng phong “Linh phù hộ quốc bản cảnh an nhân đại vương thượng đẳng thần”.
Đỉnh nóc và các lớp mái ngói đao cong uốn lượn.
Về thần Chiêu Quang và Uy Dũng ngay từ nhỏ đã bộc lộ là người có thiên chất cao rộng, học lực tinh thông, làu binh thư, võ nghệ và được phong làm Đô chỉ huy sứ tướng quân. Khi ấy, trong nước có giặc Chiêm Thành và giặc Tống xâm lược nước ta, hai ông đã đem quân đi đánh giặc và giành thắng lợi. Từ đó thiên hạ thái bình, Quốc gia yên ổn. 02 ông được Vua ban đến đạo Kinh Bắc nhận thực ấp. Hai ông tâu rằng “giặc Chiêm Thành và giặc Tống đã bình xong, công là nhờ ở công lao của thần ở trang Nội Viên phù trợ”. Vua nghe xong liền ban sắc phong và gia phong mỹ tự cho vị thần ở trang Nội Viên.
Gian thờ chính tại đình.
Bộ siêu đao bát biểu gỗ.
Đình làng Nội Viên hiện có quy mô khá lớn gồm Đại đình và hai dãy nhà Tả vu, Hữu vu. Đại đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm Tiền tế 3 gian, 2 chái, 3 gian Hậu cung, với các lớp mái ngói đao cong uốn lượn duyên dáng, bộ khung gỗ chạm khắc trang trí tinh xảo, nghệ thuật.
Trên các cốn góc đều chạm nổi hình “tứ linh” tinh xảo nghệ thuật.
Các bộ phận vì nóc, con rường đều được chạm khắc hoa lá cách điệu.
Đại đình có kết cấu vì nóc theo kiểu “con chồng giá chiêng”, được liên kết bởi 6 hàng cột dọc và 4 hàng cột ngang. Nghệ thuật chạm khắc trang trí được tập trung ở các bộ phận vì nóc, con rường, cốn, bẩy, đầu dư với các đề tài tứ linh, tứ quý tinh xảo nghệ thuật. Trên các bộ phận vì nóc, các con rường đều được chạm khắc hoa lá cách điệu.
Các bức hoành phi tại đình.
Đặc biệt ở giữa tòa Đại đình và Hậu cung là bức cửa cấm và trên các cốn góc đều chạm nổi hình “tứ linh” tinh xảo nghệ thuật. Cửa đình mở ở 3 gian giữa, cánh cửa theo kiểu “thượng song hạ bản”.
Ngai thờ thời Nguyễn.
Bài vị các vị thần tại đình.
Hậu cung 3 gian nối liền với tòa Tiền tế là trung tâm thờ tự của ngôi đình, nơi bày đặt ngai thờ, bài vị và các đồ thờ tự. Hai dãy Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy 3 gian, được làm bằng gỗ, đẹp và chắc chắn.
Bộ kiếm thờ gỗ.
Kiệu bát cống gỗ.
Lễ hội truyền thống của thôn Nội Viên được tổ chức vào ngày 07 tháng Tám. Trong ngày hội đình, dân làng tổ chức rước kiệu thánh từ đình đi quanh làng rồi trở lại đình tế lễ mở hội. Ngoài ra, nhân dân còn tổ chức thêm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: hát quan họ, hát chèo, cờ tướng, bóng chuyền, cầu lông, thể dục dưỡng sinh…
Đình Nội Viên được xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 899/QĐ-UBND ngày 9/7/2008.