Đình Xuân Lai
(BNP) – Đình Xuân Lai (thôn Xuân Lai, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình), vốn được khởi dựng từ lâu đời và đã trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo. Đình thờ đức Thánh Tam Giang Uy Địch đại vương húy là Trương Hát và phối thờ đức ông Dũng Đô Thiên và đức ông Hùng Đô Thiên. Sau nhân dân còn phối thờ bà Đạm Nương, em gái của đức Thánh Tam Giang.
Nghi môn đình Xuân Lai.
Hiện đình nằm ở đầu làng, quay hướng Nam, phía trước và bên phải giáp đường giao thông, bên trái giáp khu dân cư, đằng sau giáp chùa. Đình được nhân dân địa phương khởi công xây dựng lại trên nền đất cũ vào năm 2018.
Tòa đình chính.
Đình Xuân Lai gồm các công trình: Nghi môn, Đại đình, 2 dãy nhà Dải vũ. Trong đó, tòa đình chính có kiến trúc hình chữ đinh, gồm Đại đình và Hậu cung.
Mái đao cong.
Bờ nóc đắp lưỡng long chầu nhật.
Đại đình 5 gian 2 chái 4 mái đao cong, cửa mở 5 gian giữa, 2 gian chái trổ cửa sổ hình chữ Thọ tròn. Bộ khung gỗ chắc khỏe, kết cấu các bộ vì giống nhau, mỗi bộ vì 4 hàng chân cột, vì nóc theo kiểu “giá chiêng chồng rường”, vì nách kiểu “giá chiêng chồng rường, cốn mê”. Trên 12 đầu dư chạm hình đầu rồng.
Cửa mở 5 gian giữa.
Bộ đỉnh đá trước cửa đình.
Chiếu đá được chạm khắc tinh xảo.
Đôi Rồng đá trước thềm vào đình.
Hậu cung 3 gian khung gỗ, 3 bộ vì ngoài 4 hàng chân cột, vì nóc theo kiểu “giá chiêng chồng rường”, vì nách kiểu “chồng rường”. Bộ vì trong cùng 4 hàng chân cột, vì nóc “chồng rường”, vì nách kiểu “chồng rường”. Trang trí chạm khắc kiến trúc tập trung trên các con rường, đầu dư, cốn, bẩy... đề tài tứ quý, rồng, hoa lá và vân mây cách điệu.
Bàn thờ chính.
Hệ thống khung gỗ được chạm khắc hoa văn tinh xảo.
Hiện đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: Ngai thờ, tượng, kiếm, hộp đựng sắc, thần tích, mâm thờ, câu đối (các hiện vật trên đều có niên đại thời Nguyễn). Ngoài ra đình còn lưu giữ được hệ thống bia cổ, bát hương, bát bửu…
Sắc phong.
Hoành phi thời Nguyễn.
Bát bửu.
Chiêng đồng.
Long đình.
Bia cổ.
Nhà Dải vũ 3 gian.
Trong năm có nhiều ngày sự lệ diễn ra tại đình làng Xuân Lai. Trong đó, sự kiện quan trọng nhất được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 âm lịch, tục gọi là “vào đám” hay “vào hội”. Đây là sự kiện văn hoá tín ngưỡng quan trọng được tổ chức quy mô, bài bản với sự tham gia của cả cộng đồng dân cư với nhiều nghi thức và tục trò độc đáo.
Đình đã được Nhà nước xếp hạng là di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 1048/QĐ – UBND, ngày 17/9/2015.