Đình Như Nguyệt - Trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân

20/10/2022 08:30

(BNP) - Đình Như Nguyệt tọa lạc ở phía Bắc của làng Như Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, cách bến đò Như Nguyệt khoảng 100m. Đình là công trình kiến trúc cổ có mặt bằng hình chữ Công. Đến thời kỳ kháng chiếng chống Pháp, đình bị phá huỷ hoàn toàn. Khi hòa bình lập lại, địa phương xây dựng ngôi đình nhỏ thờ thành hoàng làng; đến năm 1994, xây dựng ngôi đình hiện nay trên nền cũ.

Cổng đình Như Nguyệt.

Hiện nay, đình Như Nguyệt có kết cấu mặt bằng kiểu chữ Đinh, 3 gian 2 chái 4 mái đao cong và 2 gian Hậu cung, xây dựng theo phong cách truyền thống.

Tòa đại đình.

Các mái đao cong được chạm khắc tinh xảo.

Bộ lư hương bằng đá được đặt phía trước tòa đại đình.

Hệ thống cửa bức bàn của đình được làm bằng gỗ chắc chắn.

Đôi rồng đá được đặt hai bên bậc tam cấp. 

Kết cấu các bộ vì theo kiểu “thượng con chồng, hạ kẻ chuyền”. Đầu dư chạm đầu rồng ngậm ngọc. Trên các con rường, kẻ, soi gờ chỉ, chạm hoa lá vân mây cách điệu.

Trên các con rường, đầu dư được chạm khắc tinh xảo.

Ban thờ Đức thánh Tam Giang.

Đình Như Nguyệt thờ Đức thánh Tam Giang, có công to lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương vào thế kỷ thứ VI. Khi xưa, nước ta có giặc Lương sang xâm lược, tàn nhiễu muôn dân. Năm 542-548, tướng Triệu Quang Phục lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống quân Lương nhưng do thế yếu, quân mỏng nên phải rút quân chờ thời cơ. Lúc đó, 4 anh em họ Trương đã chiêu mộ dân binh cùng với Triệu Quang Phục đánh tan quân giặc. Sau khi khải hoàn trở về, Vua ban sắc tiền bạc, phong chức, các ngài âm phù đánh thắng giặc và đều có sắc phong ban tặng cho các Thần với mỹ tự “Tam Giang thượng đẳng thần”. Nhân dân các làng dọc sông Cầu thấy thần linh thiêng nên đều thờ làm Thành hoàng làng gọi là “Thánh Tam Giang”.

04 ngai thờ thời Nguyễn hiện còn được lưu giữ trong đình.

Chuông đồng.

Trong đình Như Nguyệt hiện còn một số hiện vật tiêu biểu như: 04 ngai thờ thời Nguyễn; thuyền gỗ sơn son thếp vàng, hòm sắc, ống quyển đều từ thời Nguyễn; bát hương xành thế kỷ XVIII – XIX; hoành phi, câu đối niên đại thế kỷ XX…

Bảng xếp hạng di tích đình Như Nguyệt.

Lễ hội chính của làng tổ chức vào ngày 12 tháng 9 âm lịch. Vào lễ hội, ngoài việc tế lễ ở đình, đền, chùa, nhân dân tổ chức các trò chơi dân gian như: Bơi chải, cờ tướng, vật... Đặc biệt, thi bơi chải trên sông Cầu là trò chơi không thể thiếu trong những ngày hội làng ở Như Nguyệt từ xưa đến nay, thu hút đông đảo khách trong vùng đến dự. Ngoài ra, còn có các ngày lệ ở đình Như Nguyệt như: ngày 5 tháng Giêng, ngày 10 tháng 4 âm lịch hàng năm…

Đình Như Nguyệt được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 1626/QĐ-UBND ngày 21/12/2012.

T.L