Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Viêm Xá
(BNP) - Đình Viêm Xá (đình Diềm), thôn Viêm Xá (làng Diềm) là nơi lưu giữ dấu ấn lịch sử, nhiều kỷ niệm của các thế hệ người dân trong suốt quá trình phát triển. Đình hiện được tọa lạc trên diện tích hơn 1.000m2, nằm ở vị trí phía Tây Bắc của thôn, xung quanh là khu dân cư, phía trước đình là trục đường giao thông, sân bóng và ao đình. Đây cũng là trung tâm của thôn mỗi khi tổ chức hội hè đình đám.
Toà đại đình.
Đình vốn được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng (1692), có quy mô kiến trúc to lớn, toàn bộ công trình làm bằng gỗ lim. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống Pháp đình bị dỡ mái ngói, chỉ trơ lại bộ khung gỗ. Năm 1953, nhân dân địa phương tận dụng gỗ, cấu kiện kiến trúc cổ trước đó phục dựng lại đình mang dáng vẻ truyền thống với quy mô nhỏ hơn 1 gian, 2 chái, 2 dĩ trên nền đất xưa và tồn tại đến nay.
Cổng chính vào đình.
Hiện nay, đình Diềm gồm công trình Đại đình và Hậu cung. Đại đình 1 gian 2 chái, 2 dĩ, liên kết bởi 3 bộ vì, mỗi bộ vì gồm 6 hàng chân cột, vì nóc theo kiểu “giá chiêng”, vì nách chồng rường kiểu ván mê. Hậu cung 1 gian, kết cấu vì nóc theo kiểu “giá chiêng”, vì nách kiểu “chồng rường”. Trên các cấu kiện kiến trúc của toàn bộ công trình chạm vân mây, rồng và hoa lá cách điệu nghệ thuật.
Cửa võng thếp vàng rực rỡ được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2019.
Hiện nay, đình Diềm còn giữ lại bức cửa võng độc nhất vô nhị. Toàn bộ bức cửa võng được chia làm 4 tầng, 9 lớp, cửa võng thếp vàng rực rỡ, không một mảng trơn trống, từng chi tiết nhỏ đều được trang trí kỹ lưỡng nổi bật lên, thu hút sự chú ý của mọi người ngay từ phút đầu, mỗi tầng mang chủ đề khác nhau, phản ánh xã hội trong thời kỳ nhiễu loạn và qua đây bày tỏ ước vọng của người dân có cuộc sống tự do, tự tại. Bức cửa võng đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2019. Ngoài ra tại đình, Các đồ thờ tự, nhang án là những sản phẩm tiêu biểu cho những quan điểm và phong cách kỹ - mỹ thuật của những thời kỳ khác nhau trong lịch sử.
Long đình thế kỉ XVIII.
Ngoài ra, tại đình còn thờ đức Vua Bà, Quan Đô Thống, Giáp Ngọ, Lục vị Bảo Hựu. Hàng năm vào ngày sự lệ đình là ngày 15 tháng 8, có các nghi thức dâng hương cúng thánh tại đình. Không có phần hội.
Bộ bát bửu thế kỉ XVIII.
Đình thờ đức Thánh Tam Giang - vị tướng của Triệu Quang Phục có công đánh giặc Lương thế kỷ thứ VI. Sau khi hóa, các ngài hiển ứng âm phù các triều vua đánh giặc. Cảm kích ơn sâu, nhân dân nơi đây đã lập đình phụng thờ. Thượng đế thương tình và mến tài, cho anh em họ Trương làm Long Quân phó sứ, tuần hành trên hai chi sông Vũ Giang (còn gọi là Nguyệt Đức, tức Sông Cầu) và Lạng Giang (còn gọi là Nhật Đức, tức sông Thương).
Dưới chân bức cửa võng được chạm khắc tinh xảo, mang nhiều ý nghĩa nhân văn.
Đình Diềm hiện còn bảo lưu nhiều cổ vật có giá trị như thần phả, sắc phong, bức cửa võng, đôi phỗng, nhang án, đồ thờ tự. Những tài liệu cổ vật này vừa là chứng tích của ngôi đình trong lịch sử, vừa là di sản văn hóa quý giá của quê hương.
Mái đình có thiết kế lưỡng long chầu nhật.
Trên các cấu kiện kiến trúc chạm vân mây, rồng và hoa lá cách điệu nghệ thuật
Cây hương năm 1691 được đặt ở sân đình.
Đình là công trình văn hóa tín ngưỡng có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, những biến động của xã hội và thiên nhiên, nhưng di tích vẫn luôn được nhân dân quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo.
Cửa ngách 2 bên đình.
Đình Diềm được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia theo Quyết định số 29-VH/QĐ ngày 13/01/1964.