“Nhất con giống, nhì kỹ thuật”
(BNP) – Đây là chia sẻ kinh nghiệm của anh Phạm Xuân Hùng, hội viên Chi hội Nông dân thôn Kim Đào, thị trấn Thứa, huyện Lương Tài khi thực hiện thành công mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng trũng sang kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và là hộ nông dân tiêu biểu đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp liên tục từ năm 2006 đến nay.
Anh Hùng bên hệ thống máy ấp trứng.
Lương Tài là địa phương thuần nông, người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp, không có nghề truyền thống, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn vất vả. Năm 1996, anh Phạm Xuân Hùng đã bắt tay vào chăn nuôi vịt đẻ với quy mô nhỏ, chủ yếu thả đồng song thu nhập còn bấp bênh do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng trũng cấy lúa một vụ sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, năm 2003, anh Hùng đã mạnh dạn thuê 1,5ha diện tích lúa để xây dựng trang trại với 5 dãy chuồng kiên cố nuôi trên 7.000 con ngan, vịt đẻ. Đồng thời, nuôi 01 ao thả các loại cá truyền thống như: trắm, chép, trôi… được lắp đặt hệ thống hiện đại như máy tạo khí, máy bơm, máy quạt nước tạo môi trường cho thủy sản phát triển. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ con giống trên thị trường là rất lớn, anh Hùng đã mạnh dạn đầu tư giống vịt, ngan cùng với máy móc thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống 10 máy ấp trứng hiện đại… để cung cấp giống ra thị trường.
Anh Phạm Xuân Hùng chia sẻ: “Nhận thấy kinh nghiệm để làm nên thành công từ mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thì yếu tố hàng đầu là chất lượng con giống, sau là khoa học kỹ thuật, do vậy, tôi tích cực tìm hiểu trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của các cấp Hội Nông dân tổ chức, tham quan thực tế các mô hình điểm trong và ngoài tỉnh. Bản thân tôi cũng tham gia Câu lạc bộ trang trại của huyện nên được giao lưu học hỏi, trao đổi tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi, nắm bắt nhu cầu thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm, cùng với đó là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong quá trình chăn nuôi để đi đến thành công như hiện tại”.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng trũng cấy lúa một vụ sang chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, năm 2003, anh Hùng đã mạnh dạn thuê 1,5ha diện tích lúa để xây dựng trang trại với 5 dãy chuồng kiên cố nuôi trên 7.000 con ngan, vịt đẻ. Đồng thời, nuôi 01 ao thả các loại cá truyền thống như: trắm, chép, trôi… được lắp đặt hệ thống hiện đại như máy tạo khí, máy bơm, máy quạt nước tạo môi trường cho thủy sản phát triển. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ con giống trên thị trường là rất lớn, anh Hùng đã mạnh dạn đầu tư giống vịt, ngan cùng với máy móc thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống 10 máy ấp trứng hiện đại… để cung cấp giống ra thị trường.
Anh Phạm Xuân Hùng chia sẻ: “Nhận thấy kinh nghiệm để làm nên thành công từ mô hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản thì yếu tố hàng đầu là chất lượng con giống, sau là khoa học kỹ thuật, do vậy, tôi tích cực tìm hiểu trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của các cấp Hội Nông dân tổ chức, tham quan thực tế các mô hình điểm trong và ngoài tỉnh. Bản thân tôi cũng tham gia Câu lạc bộ trang trại của huyện nên được giao lưu học hỏi, trao đổi tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi, nắm bắt nhu cầu thị trường và tìm đầu ra cho sản phẩm, cùng với đó là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn trong quá trình chăn nuôi để đi đến thành công như hiện tại”.
Hệ thống chuồng kiên cố nuôi hơn 7.000 con ngan, vịt của anh Hùng.
Hiện nay, mỗi tháng trang trại của anh Hùng xuất bán 50.000 con giống, hàng vạn trứng vịt lộn cho địa phương và các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên; mỗi năm cho thu hoạch khoảng 7 – 8 tấn cá các loại. Riêng năm 2018, doanh thu đạt từ 3 – 3,2 tỷ đồng, thu nhập khoảng 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động chính với mức lương 8 triệu đồng/tháng và 3 lao động mùa vụ. Thời gian gần đây, anh Hùng còn thả thí điểm 180 con ba ba thương phẩm, đây là loài vật vừa không tốn công chăm sóc mà lại cho thu nhập cao.
Với hiệu quả từ mô hình chuyển đổi của anh Hùng đã tạo sự lan tỏa ra nhiều hộ gia đình trong thôn và trên địa bàn thị trấn, góp phần đẩy mạnh phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá của địa phương phát triển mạnh. Không giấu giếm kinh nghiệm, anh Hùng luôn nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn cho các hộ dân trong thôn về cách phòng trừ dịch bệnh cho cá, gia cầm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ những hộ gia đình khó khăn về giống, vốn đến khi thu hoạch. Đến nay, trong thôn có nhiều hộ gia đình nuôi cá theo hướng trang trại vừa và nhỏ cho thu nhập cao và giàu lên từ chăn nuôi, qua đó, từng bước xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ông Nguyễn Đăng Hệ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Tài cho biết, mô hình của anh Phạm Xuân Hùng là một trong những mô hình điển hình về chuyển đổi kết hợp chăn nuôi nuôi trồng thủy sản, đạt hiệu quả kinh tế cao, doanh thu ổn định, là nơi cung cấp con giống chất lượng cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để phát triển thêm nhiều mô hình thành công như anh Hùng.
Với sự quyết tâm của mình, anh Phạm Xuân Hùng đã thực hiện ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng việc đánh thức tiềm năng vùng trũng phát triển mô hình VAC tổng hợp, nhất là cung cấp giống vịt, ngan, khẳng định thương hiệu trên thị trường, đây cũng là hướng đi phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao cần nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới.