Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tham gia thảo luận tổ về phát triển kinh tế - xã hội

26/10/2024 17:13

(BNP) – Ngày 26/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV tiến hành phiên thảo luận ở tổ. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham gia thảo luận tại tổ 13 cùng các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk và Hậu Giang.

Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tại tổ 13.

Thảo luận tại tổ 13, các đại biểu đã tham gia thảo luận, cho ý kiến về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Tham gia ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, trong 9 tháng đầu năm 2024, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,82%, đây là một con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, xung đột địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh, suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn, phần lớn mức tăng trưởng này đến từ các lĩnh vực khai khoáng và xuất khẩu do các doanh nghiệp FDI đóng góp chiếm 72,1% giá trị xuất khẩu.

Đại biểu Nguyễn Như So phát biểu ý kiến tại tổ.

Theo đại biểu Nguyễn Như So, nếu muốn đạt được sự phát triển bền vững, điều cần thiết nhất là phải tạo thế trận cân bằng, bên cạnh các biện pháp khuyến khích, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần tập trung vào việc nuôi dưỡng và phát triển các doanh nghiệp nội địa. Việc thúc đẩy các doanh nghiệp nội địa sẽ giúp Việt Nam phát triển theo chiều sâu, từ đó tạo ra chuỗi giá trị bền vững và ổn định hơn.

Để phát triển kinh tế - xã hội trong 2025, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng cần phải triển khai quyết liệt, hiệu quả công cuộc cải cách thể chế - một trong 3 đột phá chiến lược nhằm giải quyết các thách thức phát triển, mở ra tiềm năng lớn hơn nữa, bao hàm giải pháp nhằm “giữ lửa” đà cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho kinh tế tư nhân; tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khơi thông điểm nghẽn tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tư nhân. Nghiên cứu, triển khai các chính sách ưu đãi đặc thù đủ mạnh, có sự phân hóa trong các lĩnh vực về thuế, đất đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tàu có tiềm năng phát triển lớn. Tiếp tục đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, kích thích tổng cầu nhằm hỗ trợ, tạo động lực doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh.

Tham gia ý kiến các vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐHQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng thời gian qua, các bộ, ngành đã tích cực, khẩn trương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên vẫn còn một số văn bản hướng dẫn, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội còn chậm. Vì vậy, đại biểu đề nghị, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới; có các giải pháp để khắc phục những khoảng trống pháp lý khi luật mới có hiệu lực mà các văn bản hướng dẫn chưa ban hành kịp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cần nâng cao năng lực, điều kiện làm việc cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, đảm bảo quyền và lợi ích cho những người làm công tác pháp chế. Đại biểu cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn…

H.H