Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

15/05/2020 21:05

(BNP) - Chiều 15/5, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Trần Thị Hằng, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2019 tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH).

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hằng phát biểu tại buổi giám sát.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hạnh Chung, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh.

Thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, giai đoạn từ năm 2015-2019, UBND tỉnh đã ban hành 9 kế hoạch, chương trình và văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; Sở LĐTBXH phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 148 hội nghị truyền thông cho hơn 50.000 học sinh trong toàn tỉnh; tổ chức hơn 120 hội nghị truyền thông cho gần 30.000 các bậc ông bà, cha mẹ, người chăm sóc trẻ về pháp luật nói chung và Luật trẻ em nói riêng; bố trí nguồn lực, điều kiện để bảo vệ, trợ giúp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại; công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ được quan tâm đúng mức; giải quyết kịp thời các vụ việc xâm hại trẻ em...

Toàn tỉnh hiện có hơn 300.000 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó, gần 3.900 em có hoàn cảnh đặc biệt. Tính từ ngày 01/01/2015 đến 30/6/2019, có 44 trẻ em bị xâm hại, trong đó, 36 em bị xâm hại tình dục, 8 em bị xâm hại tính mạng, sức khỏe. Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đều là nam giới và chủ yếu là người quen, người thân thích, bạn bè, người có trách nhiệm chăm sóc đã lợi dụng các nạn nhân còn nhỏ tuổi, chưa phát triển đầy đủ thể chất, thiếu sự quan tâm của người lớn hoặc do quen biết; tình trạng nhiều gia đình buông lỏng công tác quản lý, giáo dục trẻ… dẫn đến việc trẻ em ham chơi, bỏ học, bị dụ dỗ, lừa gạt dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc bị xâm hại.

Trong quá trình triển khai thực hiện, còn một số tồn tại, hạn chế như: Lực lượng cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã còn mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều nội dung công việc; công tác tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện tại cơ sở còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các đơn vị với các đoàn thể trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống xâm hại trẻ em còn chưa thường xuyên, chặt chẽ. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức của người dân, các bậc cha mẹ còn hạn chế, không hiểu rõ về quyền của trẻ em; các gia đình có trẻ em bị xâm hại không tố giác hay thông tin không kịp thời cho chính quyền…

Tại buổi giám sát, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi làm rõ một số nội dung trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; những khó khăn, vướng mắc, giải pháp trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hằng đề nghị Sở LĐTBXH tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Trẻ em; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Cùng với đó, có giải pháp tạo sự chuyển biến căn bản trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em; chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở ...

Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại UBND huyện Gia Bình.

*Trước đó, ngày 14/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Trần Thị Hằng, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại huyện Gia Bình và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh.

Qua giám sát cho thấy, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, UBND huyện Gia Bình và Viện KSND tỉnh đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, đã bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của nhân dân và kỹ năng bảo vệ bản thân cho trẻ em; kịp thời can thiệp, bảo vệ trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại; giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em phát sinh. Trong đó, Viện KSND tỉnh đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với 39 vụ/41 bị can; kiểm sát tiếp nhận 43 tin báo tố giác tội phạm (đã khởi tố 39 tin; không khởi tố 4 tin).

Đoàn giám sát trao đổi và đề nghị các đơn vị làm rõ kết quả đạt được, nguyên nhân và hạn chế cần khắc phục trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị để báo cáo Quốc hội và chuyển các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Trần Thị Hằng đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung cao cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, toàn xã hội, nhất là nâng cao kỹ năng phòng ngừa bị xâm hại cho trẻ em. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ để có cơ sở kiểm đếm trách nhiệm; chú trọng xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; kiểm sát chặt chẽ việc tố giác tin báo về tội phạm; phân công kiểm sát viên chuyên trách về các vụ án về xâm hại trẻ em; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố trong kiểm sát điều tra nói chung và các vụ án xâm hại trẻ em nói riêng…

M.B - N.H