Độc đáo nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp

04/02/2025 15:00

(BNP) – Năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp (phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp là di sản độc đáo mang nhiều ý nghĩa tốt lành của nhân dân địa phương và cũng là nét đẹp trong văn hóa của người Kinh Bắc. Sau 10 năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, nghi lễ và trò chơi kéo co được người dân duy trì, gìn giữ, phát triển nhằm tôn vinh sức mạnh đoàn kết.

Sau các nghi thức, lễ rước Thành Hoàng, Đoàn rước trang trọng với cờ, trống, chiêng đi từ đình làng ra sân kéo co, tạo nên không khí linh thiêng và hào hứng. Tiếp sau là lễ cúng, cầu mong các vị Thành Hoàng phù hộ cho lễ hội diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là nghi thức quan trọng, thể hiện lòng thành kính của người dân.

Thành viên hai đội vật tay trước khi vào trận đấu.

Khác với trò kéo co ở nhiều địa phương, người dân Hữu Chấp sử dụng thân cây tre làm dây kéo. 2 cây tre được chọn phải thật thẳng, không quá già cũng không quá non, ngọn nở, lá bông, thân cây không bị kiến đục. Sau đó dóc mấu, cành gọn gàng rồi dùng mảnh sành cạo sạch tinh tre để lộ phần cật trắng. Hai đầu của hai cây tre được cắt vuông vắn không được dập gãy, tổng số đốt của 2 cây tre phải là số lẻ.

Ngoài ra, còn có hai đòn tay ngang biểu trưng cho hai hướng Đông và Tây, làm điểm tỳ lực cho người chơi bám vào để kéo. Giữa điểm giao kết 2 gốc tre, có ba hình tròn xoắn chôn ốc tết bằng lạt, kích thước to nhỏ khác nhau, người dân địa phương gọi đó là hình con nhện. Khi làm xong, dây kéo tre được treo lên phía trước cửa nhà tiền tế của đình làng để báo cáo với Thành hoàng việc chuẩn bị cuộc thi đã hoàn tất.

Hai đội dồn sức để kéo dưới sự cổ vũ của nhân dân địa phương và du khách.

Đội hình kéo co là những nam thanh niên khỏe mạnh trong làng, chia làm hai bên Đông và Tây, mỗi bên 35 người, tuổi từ 30-37 và gia đình không có tang bụi. Theo tục lệ, hai bên phải kéo tất cả 3 keo, bên nào thắng hai keo thì thắng cuộc. Tuy nhiên, điều đặc biệt của trò chơi này, không phải bên nào kéo khỏe sẽ thắng mà đến keo thứ ba dân làng sẽ vào giúp để bên Đông chiến thắng. Theo quan niệm của địa phương, nếu bên Đông thắng cuộc, thì mùa màng bội thu, làng trên, xóm dưới bình yên, hòa thuận.

Theo quan niệm, nếu bên Đông thắng cuộc thì mùa màng bội thu, làng trên, xóm dưới bình yên, hòa thuận.

Nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp được tổ chức hàng năm thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ công đức của 5 vị Thành Hoàng làng có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Lương xâm lược vào thế kỷ VI. Đây là trò chơi đặc sắc có truyền thống gần 400 năm của xứ Kinh Bắc.

H.H