Đồng chí Lê Quang Đạo - Nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
(BNP)- Đồng chí Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8-8-1921 trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng tại xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn).
Đồng chí Lê Quang Đạo (Nguồn Internet).
Sinh ra và lớn lên ở một quê hương giàu truyền thống cách mạng, căn cứ địa, an toàn khu cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo sớm giác ngộ và được kết nạp vào Đảng từ năm 19 tuổi, trực tiếp làm việc với các nhà hoạt động cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt..., được dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Năm 1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; đồng chí Lê Quang Đạo được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách lần lượt làm Bí thư Ban cán sự Đảng các tỉnh, như: Bắc Ninh, Phúc Yên (tức Bí thư Tỉnh ủy hiện nay), Xứ ủy viên, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ với nhiệm vụ chủ yếu lúc này là xây dựng các cơ sở Đảng, tuyên truyền phát triển các tổ chức quần chúng ở vùng căn cứ địa Bắc Ninh - Vĩnh Phúc - Hà Nội giúp Trung ương đào tạo cán bộ cho phong trào quần chúng đấu tranh sâu rộng, mạnh mẽ, tạo những tiền đề và điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa thắng lợi ở vùng này.
Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Đồng chí được cử về tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và được cử làm Bí thư. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong lúc cách mạng đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đồng chí đã tích cực đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức cứu quốc, củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang và chỉ đạo tổ chức thành công Tổng tuyển cử ở Hải Phòng, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Đối với Hà Nội, đồng chí Lê Quang Đạo có ba lần giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lần thứ nhất từ tháng 10/1943 đến tháng 10/1944, khi Hà Nội trong tình thế vô cùng khó khăn trước những cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp; trên cương vị Bí thư Thành ủy, Đồng chí đã thể hiện tài năng lãnh đạo, trực tiếp lăn lộn với giới trí thức, học sinh, sinh viên xây dựng các tổ chức quần chúng nhằm tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân Hà Nội ủng hộ và tham gia cách mạng. Cái tên “Đốc lý đỏ” mà thực dân Pháp đặt cho nói lên vai trò của Đồng chí trong việc gây dựng phong trào cách mạng ở Hà Nội. Lần thứ hai từ tháng 5/1946 đến tháng 12/1946, thời gian này tình hình Hà Nội vô cùng căng thẳng, thực dân Pháp chuẩn bị gây chiến, là Bí thư Thành ủy, Phó Bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội (Khu XI), Đồng chí đã cùng cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Trung ương rút khỏi Hà Nội an toàn, cùng Trung đoàn Thủ đô chiến đấu, cầm cự trong nội thành suốt hai tháng và cũng là một trong những người cuối cùng rút khỏi Hà Nội. Lần thứ ba, từ cuối năm 1947 đến đầu năm 1948, lúc này cơ quan của Thành ủy Hà Nội chuyển về đóng ở Chương Mỹ, Hà Đông; Đồng chí đã quyết định đưa cán bộ về cơ sở, tiến hành xây dựng và khôi phục các chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể quần chúng, tổ chức lực lượng du kích, đào hầm bí mật, chiến đấu ngay trong lòng địch, gây cho địch nhiều khó khăn, tổn thất.
Từ năm 1950, Đồng chí được Trung ương Đảng điều động vào quân đội, giữ nhiều trọng trách: Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trực tiếp tham gia chỉ huy các chiến dịch quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng chí cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Năm 1958, Đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng, năm 1974 được thăng quân hàm Trung tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Với năng lực, uy tín và cống hiến của Đồng chí đối với cách mạng Việt Nam, năm 1960, Đồng chí được bầu là Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương. Năm 1972 trở thành Ủy viên chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, Đồng chí tiếp tục được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI và giữ trọng trách Bí thư Trung ương Đảng các khóa IV, V. Đồng chí đảm trách nhiều cương vị quan trọng của Đảng và Nhà nước. Đến năm 1987, Đồng chí được bầu là Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam (1987-1992). Từ năm 1994 cho đến lúc đi vào cõi vĩnh hằng (1999), Đồng chí đảm trách nhiệm vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đồng chí Lê Quang Đạo suốt đời phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Trên lĩnh vực công tác nào, Đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trở thành nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.