Đồng chí Lê Quang Đạo – Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời, nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, Nhà nước

07/08/2021 21:31

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Quốc hội và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đồng chí Lê Quang Đạo với cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh”. Tham luận của các đại biểu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tập trung phân tích, làm phong phú thêm cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, những cống hiến cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam và quê hương Bắc Ninh. 

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

Nhà quân sự xuất sắc, đóng góp quan trọng vào bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, xây dựng Quân đội về chính trị, tư tưởng

Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà chính trị, quân sự tài năng của Đảng, của Quân đội, của cách mạng Việt Nam và là người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh. 28 năm trong quân ngũ, đồng chí Lê Quang Đạo luôn giữ vững hình ảnh tiêu biểu về phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, đóng góp quan trọng vào việc tăng cường và phát huy vai trò của công tác đảng, công tác chính trị-linh hồn, mạch sống của Quân đội; khẳng định vai trò quyết định của nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh chính nghĩa. Đồng chí là người chỉ huy ưu tú của Quân đội, một vị tướng lĩnh hội tụ đầy đủ phẩm chất đạo đức cách mạng: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.

Trong suốt quãng thời gian phục vụ trong Quân đội, trên các cương vị như: Phó Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Biên giới 1950; Phó Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ kiêm Chính ủy Đại đoàn 308 (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968); Chính ủy Bộ Tư lệnh 500, Chính ủy chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971); Chính ủy Chiến dịch Trị-Thiên (1972); Cục trưởng Cục Tuyên huấn đầu tiên (1951 -1955); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách công tác tuyên huấn (1955 - 1978); Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, kiêm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự… đồng chí Lê Quang Đạo đã có đóng góp quan trọng vào bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, xây dựng Quân đội về chính trị, tư tưởng, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Những đóng góp to lớn về hoạt động công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc, đồng chí Lê Quang Đạo được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội tôn kính là “Anh cả của ngành Tuyên huấn Quân đội”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta và Quân đội ta… đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn Quân đội”

Góp phần vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật, bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương

Ngày 17 tháng 6 năm 1987, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện trong việc đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, góp phần bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Phát huy tinh thần Hiến pháp 1980 và thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Quốc hội khóa VIII đã đảm đương sứ mệnh mở đường cho công cuộc đổi mới toàn diện nhằm ổn định tình hình kinh tế - chính trị, giữ vững quốc phòng và an ninh, đưa cách mạng nước ta vững bước tiến lên. Với vai trò là Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Quang Đạo, trong nhiệm kỳ, Quốc hội ban hành được 2 Bộ luật, 29 đạo luật và Hội đồng Nhà nước ban hành 39 Pháp lệnh. Trong đó, tập trung ban hành nhiều luật và pháp lệnh quan trọng về kinh tế như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật Doanh nghiệp tư nhân, Pháp lệnh về ngân hàng... nhằm phục vụ việc chuyển sang nền sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước…

Qua thực tiễn, đồng chí Lê Quang Đạo nhận thấy, hoạt động của Quốc hội còn có lúc mang tính hình thức, nhiều vấn đề cấp bách, nóng bỏng nhân dân quan tâm như: Trợ cấp xã hội, chống tham nhũng, chống buôn lậu…Quốc hội chưa có quyết sách cụ thể; Luật, pháp lệnh ban hành còn thiếu đồng bộ, chậm đi vào cuộc sống; một số văn bản luật, pháp lệnh chất lượng chưa cao, có điểm chưa thực tế nên phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Điều này đã ảnh hưởng đến lòng tin của cử tri đối với Quốc hội. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo kiến nghị phải tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội là nhân tố quan trọng nhất để bảo đảm cho Quốc hội thực sự hoạt động theo chức năng nhiệm vụ mà Hiến pháp và luật đã quy định; phải không ngừng đổi mới về tổ chức và lề lối làm việc của Quốc hội, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội và tăng cường thông tin cho nhân dân các hoạt động của Quốc hội; nâng cao trách nhiệm và đẩy mạnh hoạt động của các đại biểu Quốc hội…

Có thể khẳng định, trong thời gian giữ trọng trách Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những quan điểm sâu sắc và đóng góp quan trọng vào việc đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Vị thủ trưởng tài năng, đức độ và tâm huyết

Đồng chí Nguyễn Túc, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Đồng chí Lê Quang Đạo, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và nhân dân ta, nhà hoạt động chính trị - xã hội nổi tiếng, nhà lý luận có tên tuổi.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm về đồng chí Lê Quang Đạo - vị Thủ trưởng tài năng, đức độ và tâm huyết. Kỷ niệm nhớ nhất, là được cùng anh soạn thảo Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về “Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới”. Đây là Nghị quyết có tính định hướng cho sự ra đời của Luật Quốc tịch và Luật MTTQ Việt Nam sau này.

Quá trình soạn thảo, anh Lê Quang Đạo thường gợi ý để chúng tôi suy nghĩ, thu thập thông tin, chuẩn bị những tư liệu cần thiết về đặc điểm, tình hình thế giới, trong nước, đặc biệt là tình hình biến động của các tầng lớp nhân dân sau khi Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới. Do tính chất quan trọng của vấn đề được Anh "ấp ủ" từ lâu nên khi về chuyên trách công tác Mặt trận, việc đầu tiên Anh đưa ra bàn trong hội nghị Đảng đoàn và Ban Thư ký là làm tờ trình Bộ Chính trị cho phép Đảng đoàn cùng Ban Dân vận Trung ương soạn thảo Nghị quyết trên.

Được Bộ Chính trị cho phép với sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Vũ Oanh, Ủy viên Bộ Chính trị; Trương Mỹ Hoa, Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) phụ trách Dân vận - Mặt trận, Đảng đoàn thành lập Tổ soạn thảo Nghị quyết và phân công đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp phụ trách, tôi giúp việc anh chắp bút.

Đọc lại cuốn sổ tay mà tôi có dịp đi cùng Anh ghi chép thời đó cho thấy sự đam mê và tinh thần trách nhiệm của Anh đối với việc chuẩn bị Dự thảo Nghị quyết. Tôi thấm thía về cách lập luận và điều mà Anh thường quan tâm, lo lắng hơn cả khi đề cập đến sự lãnh đạo của Đảng. Theo Anh, cần nắm vững nguyên tắc: Đảng lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, chứ không thay nhân dân làm cách mạng. Đảng lãnh đạo chứ không làm thay. Là người lãnh đạo, Đảng phải thực hiện đúng vai trò tiền phong của mình. Hiện nay, còn có những quan niệm không đúng về sự lãnh đạo của Đảng trong một số cấp ủy. Hiểu sự lãnh đạo như quyền lợi và quyền lực tối cao. Vì vậy, ở nơi này, nơi khác xảy ra mất đoàn kết chỉ vì tranh giành quyền lợi và quyền lực tối cao đó.

Anh nhiều lần khẳng định và kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình về quan hệ giữa Đảng với Mặt trận. Theo Anh, đây thực chất là mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc. Dân tộc có trước, giai cấp có sau. Dân tộc sản sinh ra giai cấp, giai cấp nằm trong dân tộc. Vì vậy, Đảng nhất thiết phải đứng trong nhân dân, trong giai cấp, trong Mặt trận để lãnh đạo, chứ không thể đứng ngoài và tuyệt đối không được đứng trên dân, trên giai cấp, trên Mặt trận để lãnh đạo. Sức mạnh vĩ đại của Đảng là ở chỗ gắn bó mật thiết với dân. Tách rời khỏi dân, Đảng sẽ không còn sức mạnh... Và Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành vào ngày 17/11/1993, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 63 Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất.    

Niềm tự hào, vinh dự lớn của tỉnh và mỗi người dân Bắc Ninh – Kinh Bắc

Đồng chí Nguyễn –Sỹ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh

Những năm công tác ở huyện Tiên Sơn (nay là thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du), tỉnh Bắc Ninh, tôi vinh dự được tiếp xúc, gặp gỡ, được trực tiếp làm việc khá nhiều lần với đồng chí Lê Quang Đạo trên các cương vị khác nhau. Đồng chí đã để lại trong tôi nhiều hình ảnh, kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp, một tấm gương cao đẹp về tư tưởng, đạo đức, phong cách của một người lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận; một người Bác cùng quê hương Đông Ngàn -Từ Sơn, người đồng chí Bí thư cấp ủy huyện Từ Sơn thời kỳ trước cách mạng.

Từ người thanh niên học sinh yêu nước, giác ngộ lý tưởng, rồi tham gia hoạt động cách mạng và sau đó trở thành người lãnh đạo phong trào cách mạng ở tỉnh Bắc Ninh thời gian trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Quang Đạo đã có những đóng góp lớn, hết sức quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh.

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, liên tục phấn đấu không mệt mỏi vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị công tác nào đồng chí Lê Quang Đạo cũng dành cho quê hương Bắc Ninh những tình cảm thân tình và trách nhiệm. Những lần đi công tác hay về thăm quê nhà, nhất là những lần về thăm và làm việc, dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc trước đây, tỉnh Bắc Ninh tái lập và trước ngày đi xa, đồng chí Lê Quang Đạo thường quan tâm nhắc nhở: Từ tỉnh đến cơ sở cần phải thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ; tăng cường khối đoàn kết thống nhất trong Đảng và nhân dân, xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, quan tâm đào tạo, giáo dục thế hệ trẻ, phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân…Phong cách gần gũi, ân cần, cởi mở, chân tình, chu đáo là phẩm chất nổi bật ở đồng chí Lê Quang Đạo.

Đồng chí là tấm gương sáng về cuộc đời cao đẹp của người cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cán bộ lãnh đạo đức độ và tài năng, một con người đầy lòng nhân ái, vị tha, ham học hỏi, giàu trí tuệ, rất mực khiêm tốn, sống giản dị, trong sáng và thủy chung. Đồng chí là tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Lê Quang Đạo và các lãnh tụ cộng sản tiền bối như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt mãi mãi là tấm gương sáng, là niềm tự hào, vinh dự lớn đối với tỉnh và mỗi người dân Bắc Ninh.

Tấm gương của người cộng sản 

PGS.TS Phạm Hồng Chương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Hơn sáu mươi năm hoạt động cách mạng, trưởng thành theo thắng lợi của cách mạng, từ người đảng viên bình thường đến các trọng trách của Đảng, Nhà nước ở nhiều địa phương và Trung ương, trên cương vị người lãnh đạo chính trị của bộ đội Cụ Hồ hay trong vai trò của người đứng đầu cơ quan lập pháp của Nhà nước và Mặt trận đoàn kết dân tộc, nhân dân ta không chỉ kính trọng đồng chí Lê Quang Đạo về phẩm chất chính trị và tài trí của “người cộng sản kiên cường mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính,”- mà còn là sự tin cậy đối với một nhân cách lớn của một nhà lãnh đạo “có uy tín, kiên nghị mà gần gũi thân thương”.

Nhân cách đó càng được kính trọng hơn qua bản lĩnh cách mạng và khoa học của đồng chí khi nêu lên nhiều kiến nghị nghiêm túc, đầy trách nhiệm đối với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước và Mặt trận trong các thư gửi Bộ Chính trị. Năm 1992, đồng chí đã đề xuất với Đảng “ý kiến đề nghị đổi mới sự lãnh đạo của Đảng”, trong đó tập trung vào ba vấn đề lớn: Đổi mới việc chuẩn bị và đề ra đường lối, chính sách của Đảng; Đổi mới cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể, lãnh đạo các tổ chức kinh tế và Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ”. Đây thực sự là những đề nghị tâm huyết và có giá trị thực tiễn cao mà ngày nay Đảng ta đang thực hiện.

Là người kiến nghị phải có Luật cụ thể hóa điều 9 của Hiến pháp về vai trò, chức năng của Mặt trận Tổ quốc và góp phần xây dựng và thực hiện được đề xuất đó theo ý Đảng, lòng dân, tuy nhiên, đồng chí thấy cần phải thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc một cách thực sự hơn nữa trên cơ sở phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Những quan điểm của đồng chí Lê Quang Đạo về phát huy dân chủ ở cơ sở đã có tác động tích cực tới việc ổn định xã hội và tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta. Đây là những bài học lý luận quý báu mà đồng chí đã để lại cho Đảng và cách mạng nước ta.

Tấm gương trung với nước, hiếu với dân của đồng chí Lê Quang Đạo – một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - sẽ mãi mãi được các thế hệ tôn vinh và học tập.

Tự hào tiếp bước các thế hệ lãnh đạo, xây dựng quê hương Từ Sơn ngày càng giàu mạnh

Đồng chí Lê Xuân Lợi, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Từ Sơn

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Lê Quang Đạo luôn là niềm tự hào, động viên to lớn để Đảng bộ và nhân dân thị xã Từ Sơn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng thị xã Từ Sơn trở thành thành phố giàu đẹp, hiện đại, ngay trong những năm đầu Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Trong những năm qua, thị xã Từ Sơn đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng; các khu, cụm công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp-đô thị-dịch vụ với hàm lượng công nghệ và chất xám cao; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư cho xây dựng các công trình trọng điểm, các lĩnh vực y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa, xã hội, giao thông, đô thị…góp phần thay đổi cảnh quan thị xã, nâng cao chất lượng thụ hưởng cuộc sống của người dân; phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh đô thị  được triển khai hiệu quả; các chính sách đối với người có công, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” được quan tâm thường xuyên, góp phần bảo đảm an ninh xã hội… Kết quả tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của thị xã đạt 175,5 triệu đồng/người/năm (tương đương 7.531 USD), tăng 1,2% so với năm 2019; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,76%... 

Học tập và noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, Đảng bộ thị xã Từ Sơn luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, củng cố và đổi mới hệ thống chính trị, chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Trọng tâm là công tác tổ chức cán bộ, kiệm toàn, củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, coi đây là yếu tố quan trọng quyết định việc thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương; phát động các phong trào thi đua yêu nước, chủ động phòng, chống dịch COVID-19; mỗi người dân, mỗi cơ quan, đơn vị phấn đấu làm một việc tốt, kết thành vườn hoa “Nghìn việc tốt” chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo.

Hòa nhịp vào công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước, Đảng bộ và nhân dân thị xã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, tạo sự đồng thuận cao, nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, phấn dấu xây dựng thành phố Từ Sơn văn minh, giàu đẹp, xứng đáng quê hương của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo kính mến.

baobacninh.com.vn