Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan: Học tập và noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh
Đồng chí Lê Quang Đạo (tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện), sinh ngày 8/8/1921, trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Bí thư Tỉnh ủy Đào Hồng Lan và các đại biểu kiểm tra tiến độ dự án Công viên thị xã Từ Sơn và Nhà lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, nơi phát tích vương triều nhà Lý- khai mở nền văn minh Đại Việt; đồng thời, nơi đây cũng là căn cứ địa, an toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, thường xuyên được đón tiếp các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về chỉ đạo và hoạt động cách mạng… Truyền thống quê hương, gia đình đã hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, là động lực, điểm tựa để đồng chí Lê Quang Đạo phấn đấu, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Là người có trí thức, lại sớm được tiếp cận, gặp gỡ, học tập tư tưởng yêu nước, tiến bộ của các thầy giáo có kiến thức uyên bác và nhân cách mẫu mực như Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp…, đặc biệt là tiếp thu “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đức Nguyện đã sớm giác ngộ cách mạng, đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Ngay từ những năm 1937-1938, khi đang học tại Trường tư thục Thăng Long, đồng chí đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước trong phong trào thanh niên do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Thông qua nhiều hoạt động sôi nổi, nhiệt huyết của bản thân, Nguyễn Đức Nguyện đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Đình Bảng và các địa phương lân cận. Đến tháng 8-1940, Nguyễn Đức Nguyện được kết nạp vào Đảng khi mới 19 tuổi, cuối năm 1940, đồng chí tham gia thành lập Chi bộ Đình Bảng - một trong ba chi bộ Đảng của tỉnh Bắc Ninh thời điểm đó, do đồng chí làm Bí thư chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, Đình Bảng đã trở thành nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh và được Trung ương Đảng chọn là một trong những tâm điểm để xây dựng thành An toàn khu I.
Giữa năm 1941, đồng chí thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng và lấy tên là Lê Quang Đạo. Cuối năm 1941 đầu năm 1942, đồng chí được phân công làm Bí thư Ban Cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Xứ ủy viên, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ. Trên cương vị Bí thư, đồng chí đã cùng Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh các phong trào cách mạng, phát triển đảng viên mới, mở rộng cơ sở cách mạng, thành lập các tổ chức cứu quốc, lập Mặt trận Việt Minh, tổ chức bảo vệ chu đáo, an toàn cán bộ lãnh đạo và nhiều cuộc họp của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ… góp phần quan trọng vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong những năm 1947-1948, trên các cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư liên Tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông, Khu ủy viên, Ủy viên Thường vụ Liên khu ủy khu III, phụ trách công tác tuyên huấn, đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng lãnh đạo Khu ủy, Thành ủy chỉ đạo đưa cán bộ về bám sát cơ sở, đẩy mạnh chiến tranh du kích ngay tại ngoại thành Hà Nội và các đô thị ở đồng bằng Bắc Bộ, gây nhiều khó khăn cho địch. Năm 1949 đồng chí được cử làm Phó Trưởng Ban tuyên truyền Trung ương Đảng.
Năm 1950, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động vào quân đội. Gần như suốt 30 năm chiến tranh, đồng chí khoác áo lính và thường có mặt ở những chiến trường ác liệt với những trọng trách quan trọng. Đặc biệt, trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn và được giao phụ trách công tác Đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch lớn, vào những thời điểm quyết liệt, đồng chí đã có những đóng góp to lớn và quan trọng đối với công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Vì thế, đồng chí Lê Quang Đạo đã được mệnh danh là “Anh cả của ngành Tuyên huấn quân đội” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận xét: “Đồng chí Lê Quang Đạo là một cán bộ lãnh đạo có đức độ và tài năng của Đảng ta và quân đội ta… Suốt 28 năm trong quân ngũ, Lê Quang Đạo đã đem hết tài năng và sức lực, tâm hồn và trí tuệ xây dựng và chỉ đạo ngành Tuyên huấn quân đội. Anh là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc của quân đội và của Đảng... Anh là một nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ đã từng dạy...”.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Quang Đạo về dự lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân của huyện Tiên Sơn năm 1998. Ảnh: Tư liệu
Với nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, đồng chí Lê Quang Đạo đã được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958, Trung tướng năm 1974. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1972), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng (1976) đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí Lê Quang Đạo tiếp tục được bầu vào BCH Trung ương Đảng và Bí thư Trung ương Đảng, được phân công làm Trưởng ban Khoa giáo Trung ương. Với tư duy đổi mới, nhất là tư duy kinh tế và tư duy lý luận, đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng Ban Khoa giáo Trung ương đề xuất nhiều quan điểm đổi mới, dân chủ trong nghiên cứu khoa học, coi trọng bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực… được thể hiện trong “Báo cáo chính trị đổi mới toàn diện đất nước” mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã thông qua, đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng, bước vào thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.
Ngày 17/6/1987, tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện về tổ chức hoạt động của Quốc hội, trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhất là việc đẩy nhanh công tác lập hiến và lập pháp để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Đặc biệt, đồng chí đã đóng góp nhiều công sức vào việc soạn thảo Hiến pháp năm 1992, phù hợp với cương lĩnh đổi mới của Đảng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng và Nhân dân trong giai đoạn mới và góp phần tích cực trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới còn nhiều khó khăn phức tạp.
Với 17 năm tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và 5 năm giữ chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1994 - 1999), đồng chí đã góp phần phát huy vai trò và tăng cường đổi mới công tác Mặt trận, không ngừng nâng cao chất lượng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế. Trong đó, nổi bật là đồng chí đã cùng Đảng đoàn Mặt trận tham mưu Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 07 ngày 17/11/1993 về “Đại đoàn kết dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong tình hình mới”, đã tạo bước ngoặt cho đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước. Và trước lúc đi xa, với tư cách là Trưởng ban soạn thảo Luật MTTQ Việt Nam - công trình lớn cuối cùng - đồng chí đã dốc sức cùng tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 5 nhất trí thông qua.
Hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Quang Đạo đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiều trọng trách quan trọng trải dài trên nhiều lĩnh vực, địa bàn và nhiều cương vị công tác khác nhau. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí đều nỗ lực, hết lòng, hết sức cống hiến và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đóng góp quan trọng vào những thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn.
Đồng chí Lê Quang Đạo trò chuyện với AHLĐ, NGND Nguyễn Đức Thìn và các đại biểu nhân dịp về thăm Đền Đô năm 1998. Ảnh: Tư liệu
Trọn cuộc đời sống, chiến đấu và cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, đồng chí Lê Quang Đạo đã góp phần quan trọng vào những chiến công hiển hách, những thắng lợi vẻ vang của đất nước, của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Ghi nhận những đóng góp to lớn của đồng chí, Đảng, Nhà nước đã trao tặng đồng chí Lê Quang Đạo Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Đại đoàn kết dân tộc và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
Từ một thanh niên trí thức sớm được giác ngộ cách mạng đến khi trở thành nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Quang Đạo luôn khẳng định một niềm tin tất thắng, lòng trung thành tuyệt đối, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng của Đảng, vì thắng lợi của cách mạng, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí là tấm gương của nhà lãnh đạo tận tụy và đầy trách nhiệm trước dân, trước Đảng, trước mọi nhiệm vụ, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân; là hình mẫu tiêu biểu của người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, một nhà yêu nước chân chính, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Noi gương, học tập và tiếp bước con đường cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo và các bậc tiền bối, trong các giai đoạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bắc Ninh luôn phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp tích cực và hiệu quả vào những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, trong giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhất là sau gần 25 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã có những phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh thuần nông, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn... nhưng được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp của các địa phương bạn, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bắc Ninh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; quy mô kinh tế mở rộng; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.
Tự hào về quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc đã sinh ra người con ưu tú Lê Quang Đạo, với truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đổi mới, chủ động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bắc Ninh đã và đang cùng với cả nước ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, trong đó tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng gần dân, phục vụ Nhân dân, lắng nghe ý kiến Nhân dân, phát huy được sức mạnh toàn dân. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương và của tỉnh; thực hiện tốt Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp, các ngành gắn với Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và khát vọng cống hiến xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai, tiếp tục chủ động phòng chống dịch, tập trung phát triển kinh tế - xã hội bền vững; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn công nghiệp hóa với phát triển mở rộng không gian đô thị văn minh, hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, tăng cường liên kết vùng, tạo động lực mới với vai trò cực tăng trưởng của Vùng Thủ đô.
Thứ ba, huy động mọi nguồn lực phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; quan tâm chăm lo các đối tượng chính sách, người có công, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; phát huy giá trị dân ca Quan họ và văn hóa, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc. Giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và phát huy sức mạnh toàn dân, tạo sự đồng thuận và môi trường ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Quang Đạo là dịp để các thế hệ ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc; tưởng nhớ, biết ơn và tự hào về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng, những phẩm chất đạo đức và những cống hiến to lớn của đồng chí với Đảng, với quê hương, đất nước. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Ninh nguyện noi gương đồng chí Lê Quang Đạo, đoàn kết thống nhất, đẩy mạnh phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng quê hương Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Đào Hồng Lan
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh