Đồng hành cùng doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19

19/03/2020 15:12

(BNP) - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, làm giảm nguồn thu cũng như số thu nộp ngân sách Nhà nước trong những tháng đầu năm, ngành Thuế tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020.

Việc gia hạn thuế góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo ông Ngô Xuân Tòng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, ngay sau khi có thông tin về tình hình dịch Covid-19, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nhận dự toán thu ngân sách đánh giá, rà soát, dự báo mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình sản xuất, kinh doanh và số thuế phát sinh thực hiện theo dự toán được Bộ Tài chính, HĐND tỉnh giao. Cơ quan Thuế đã tiến hành rà soát tình hình sản xuất kinh doanh của người nộp thuế trong diện quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp trọng điểm như Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam và các doanh nghiệp vệ tinh lớn.
 
Tuy nhiên, hiện nay, do phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19, các Công ty chưa đánh giá chính xác được tình hình sản xuất, kinh doanh. Nếu trong trường hợp dịch bệnh kéo dài sẽ gây ảnh hướng tới việc cung cấp nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dẫn tới sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, số thu nộp ngân sách phát sinh trong năm 2020. Chỉ tính riêng trong 02 tháng đầu năm, số thu ngân sách Nhà nước đạt 5.304 tỷ đồng, đạt 23% dự toán và chỉ bằng 87% so với cùng kỳ.
 
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Cục Thuế tỉnh đã quy định rõ về gia hạn nộp thuế cho các trường hợp bị thiệt hại do dịch bệnh nằm trong các vùng dịch được cơ quan Nhà nước công bố thì sẽ được gia hạn từ 1 - 2 năm tùy theo mức độ thiệt hại trên tổng giá trị tài sản thiệt hại so với tổng giá trị tài sản của năm liền kề trước năm có dịch. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào tỉnh Bắc Ninh có được công bố là vùng dịch hay không.
 
Mặt khác, hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định về gia hạn thuế giá trị gia tăng và tiền sử dụng đất cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Qua nghiên cứu nội dung Dự thảo Nghị định, lãnh đạo Cục Thuế tỉnh cũng trao đổi thêm, người nộp thuế thuộc các ngành sản xuất chế biến nông sản thực phẩm, da giầy, dệt may, điện tử, khách sạn, du lịch, nhà hàng… sẽ được gia hạn 05 tháng so với quy định. Cụ thể, đối với tiền thuê đất kỳ 1 năm 2020 được gia hạn từ tháng 5 sang tháng 10; thuế giá trị gia tăng phát sinh của các tháng 3, 4, 5, 6 được gia hạn đến cuối năm. Sau khi Nghị định của Chính phủ được ban hành chính thức, Cục Thuế tỉnh sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục gia hạn, ước tính sơ bộ, số thuế được gia hạn khoảng hơn 330 tỷ đồng.
 
Nằm trong vòng xoáy bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, anh Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc Khách sạn Gia Bảo, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn cho biết, từ khi có dịch bệnh thì đây là thời điểm khó khăn nhất đối với doanh nghiệp kể từ khi đi vào hoạt động năm 2011. Với quy mô 39 phòng có công suất sử dụng thường xuyên đạt từ 70 - 75% số phòng với các khách hàng chủ yếu là người nước ngoài như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Đến nay, công suất sử dụng chỉ còn từ 10 - 20% số phòng, đặc biệt, nhiều khách hàng đặt phòng trước Tết Nguyên đán đã hủy lịch, gây ảnh hưởng tới doanh thu, buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân viên từ 20 - 25 người xuống chỉ còn 10 người.
 
Trước tình hình khó khăn chung, anh Thành mong muốn Nghị định của Chính phủ sớm được ban hành và ngành Thuế tỉnh sẽ có giải pháp hỗ trợ theo quy định, nhất là giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2019; giảm và giãn thuế giá trị gia tăng năm 2020 để giảm bớt áp lực khó khăn tài chính của doanh nghiệp.
 
Trong thời gian chờ Nghị định, các doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người lao động.
S.T